Bạn đang ở đây

Cần linh hoạt trong điều hành xuất khẩu gạo

(17.05.2016)

(Website HNDHY) - Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ NNPTNT), trái với lo ngại khi Thái Lan tuyên bố xả kho 11,4 triệu tấn gạo sẽ ảnh hưởng lớn đến gạo trong nước, cho tới nay giá gạo Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng và đang giữ ở mức ổn định.

Các nước châu Á tăng nhập khẩu gạo

Trên thị trường châu Á, giá gạo Thái Lan tuần qua tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng nhờ được nâng đỡ bởi nhu cầu tiêu thụ từ Nhật Bản và châu Phi trong khi nguồn cung nội địa thắt chặt. Trong khi đó, giá gạo Việt Nam không thay đổi so với tuần trước.

Theo phân tích của Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp, tuần qua, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức 398 – 400 USD/tấn (FOB Bangkok) so với 385 – 390 USD/tấn tuần trước. Còn theo số liệu của Hãng tin Reuters công bố, với mức giá 400 USD/tấn, đây là mức cao nhất kể từ ngày 24.7.2015. Hiện Thái Lan là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ. Thái Lan vừa trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua và Chính phủ nước này đã khuyến cáo nông dân thận trọng khi gieo trồng vụ 2.

Trong khi đó, tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu giao ngay ổn định trong tuần qua, trong khi giá gạo xuất khẩu giao tháng 6-7.2016 tăng lên do dự đoán Philippines sẽ tăng lượng mua. Gạo 5% tấm không đổi ở mức 375 – 380 USD/tấn giao ngay (FOB cảng Sài Gòn) và tăng lên 385 – 390 USD/tấn đối với gạo giao tháng 6-7.2016.

Theo phân tích, các nước sản xuất lúa gạo hàng đầu châu Á là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng, đe dọa giảm sản lượng, gây ra nguy cơ tăng giá cho mặt hàng lương thực chính đối với một nửa dân số thế giới này. Lần đầu tiên kể từ năm 2010, sản lượng lúa gạo thế giới được dự báo sẽ sụt giảm do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra hạn hán kéo dài.

Hội đồng Ngũ cốc quốc tế dự báo sản lượng lúa gạo thế giới sẽ đạt 473 triệu tấn trong năm 2016, giảm so với mức 479 triệu tấn trong năm 2015 và đây là năm suy giảm đầu tiên trong 6 năm qua. Theo một tính toán dựa trên dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đến cuối năm 2016, các kho dự trữ gạo ở 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới sẽ giảm khoảng 1/3, xuống còn 19 triệu tấn, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2003. Bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung lớn nào có thể trở nên vô cùng nhạy cảm vào thời điểm này.

Cho tới thời điểm này, một số nước châu Á đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo. Indonesia dự kiến sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, tăng 60% so với vài năm trước. Trung Quốc - nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới (5 triệu tấn/năm), cũng có thể tăng nhập khẩu gạo trong năm nay. Hội đồng Ngũ cốc quốc tế dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc trong năm 2016 sẽ không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Dự trữ gạo của Philippines trong tháng 3 đang ở mức thấp mặc dù đã nhập 750.000 tấn gạo. Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines đang cân nhắc nhập thêm 500.000 tấn gạo nữa.

Giá lúa gạo trong nước tăng nhẹ

Theo Bộ NNPTNT, giá lúa, gạo tại khu vực ĐBSCL tuần qua diễn biến từ ổn định đến tăng nhẹ. Nguồn cung lúa hàng hóa trên thị trường không còn nhiều. Bên cạnh đó, nhu cầu thu mua gạo để xuất khẩu của các doanh nghiệp đang giảm mạnh do chưa ký được hợp đồng xuất khẩu mới. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL tuần qua diễn biến cụ thể như sau: tại An Giang, lúa tươi IR50404 ổn định ở mức 4.900 đồng/kg; trong khi lúa OM 2514, OM 2717 tăng từ 5.100 đồng/kg lên 5.200 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa khô IR50404 không đổi ở mức 5.200 đồng/kg.

Tại Bạc Liêu, lúa OM 5451 tăng từ 5.400 đồng/kg lên 5.500 đồng/kg (lúa tươi) và 5.900 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg (lúa khô); lúa OM 4900 tăng từ 5.500 đồng/kg lên 5.600 đồng/kg (lúa tươi) và 6.000 đồng/kg lên 6.100 đồng/kg (lúa khô). Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường tăng từ 5.700 đồng/kg lên 5.800 đồng/kg; lúa dài giữ ở mức 6.500 đồng/kg.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 sẽ tiếp tục chịu áp lực từ diễn biến khó lường của thị trường gạo thế giới, không chỉ về giá xuất khẩu mà còn về chất lượng, thương hiệu. Hiện lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt Nam không còn như các năm trước khi “vựa lúa gạo” Thái Lan chấp nhận bán ra với giá thấp để giải quyết vấn đề tồn kho. Trên thực tế, chương trình giải phóng gạo tồn kho của Thái Lan đã được thực hiện từ những năm trước. Tuy nhiên, việc xuất hiện thông tin nước này xả lượng gạo tồn kho lớn cho thấy Việt Nam cần có những giải pháp linh hoạt, chủ động trong công tác điều hành.

Ngoài ra, sự thay đổi về chính sách của các nước nhập khẩu truyền thống theo hướng tăng cường sản xuất trong nước, cũng như thách thức từ việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới... là những yếu tố tác động tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; khai thác tiềm năng, cơ hội từ các FTA đã ký; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam. 

Điều chỉnh linh hoạt thị trường lúa gạo

Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân đầu mối tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt. Đối với các địa phương có liên quan, Bộ chỉ đạo các sở, ngành chức năng có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.

 

Theo Dân Việt

Lượt xem: 7

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân