Bạn đang ở đây

Cho đồng xanh, lúa tốt

(21.07.2017)

(Website HNDHY) - Hiện nay, nông dân trong tỉnh cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa mùa, chuyển trọng tâm sang chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh để lúa sinh trưởng, phát triển tốt ngay từ đầu vụ.

Qua đánh giá sơ bộ của ngành Nông nghiệp và PTNT, đến ngày 16.7, nông dân các địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy hơn 35,7 nghìn ha lúa mùa, bảo đảm cơ cấu giống, lịch thời vụ. Ngay sau khi gieo cấy xong, nông dân tập trung bón phân cho lúa, bắt diệt ốc bươu vàng, chuột gây hại. Cùng thời điểm trên, nông dân chăm sóc lúa đợt 1 được hơn 27 nghìn ha, chăm sóc đợt 2 được hơn 11 nghìn ha. Vụ mùa năm nay, thời điểm gieo cấy nắng nhẹ, xen lẫn những đợt mưa vừa nên lúa sau khi gieo cấy đã sinh trưởng, phát triển nhanh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, ngày 17.7 và những ngày sau đó trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa đến mưa to làm một số diện tích lúa mới gieo cấy bị ngập úng cục bộ, dự báo sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển. Theo nhận định của cơ quan khí tượng thuỷ văn, thời tiết từ nay đến cuối vụ tiếp tục có nhiều ngày thời tiết mưa dông, khả năng ngập úng, ảnh hưởng đến việc chăm sóc lúa. Ngoài ra, Chi cục BVTV dự báo các đối tượng sâu bệnh gây hại chính ở vụ mùa năm nay như: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu – rầy lưng trắng; bệnh khô vằn, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn và một số đối tượng khác như: Chuột, ốc bươu vàng... hại cục bộ vào đầu vụ. Nhằm chủ động khắc phục những khó khăn trên, ngành chuyên môn và các địa phương đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa mùa ngay từ đầu vụ. 

Trên đồng ruộng của các địa phương thuộc huyện Ân Thi, nông dân đã và đang tiến hành tỉa dặm, cấy bổ sung những diện tích lúa bị chết, cấy thưa, chuột cắn hại; tập trung chăm bón và phòng, trừ chuột, diệt ốc bươu vàng bảo vệ lúa. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ân Thi Nguyễn Thu Giang cho biết: Huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương và nông dân bảo đảm đủ nguồn nước, huy động tối đa phương tiện cơ giới làm đất, gieo cấy lúa mùa theo đúng cơ cấu giống và trong khung thời vụ tốt nhất. Hiện nay, nông dân trong huyện đã tiến hành chăm sóc lúa lần 1 được gần 7,5 nghìn ha, chăm sóc lần 2 được hơn 4,7 nghìn ha trong tổng số hơn 7,7 nghìn ha. 

Để lúa mùa phát triển thuận lợi, đơn vị chuyên môn trên địa bàn huyện Ân Thi tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thực hiện một số biện pháp như: Trên những diện tích gieo, cấy sớm khi lúa đã bén rễ hồi xanh nếu chưa bón thúc phải khẩn trương tiến hành tỉa, dặm bảo đảm đúng mật độ, đồng thời bón thúc sớm, bón đủ lượng bằng phân NPK tổng hợp theo nhu cầu của từng giống lúa và quy trình của từng loại phân bón khi thời tiết ấm để lúa đẻ nhánh thuận lợi. Những diện tích lúa mới cấy, lúa chưa bén rễ hồi xanh phải chủ động bón thúc và dặm tỉa ổn định mật độ ngay khi cây lúa hồi xanh. Với những diện tích bị úng cục bộ do ảnh hưởng của bão số 2, cần bơm tháo gạn nước kịp thời, tạm dừng bón phân đến khi lúa phục hồi rễ.

Thời điểm này, nông dân huyện Tiên Lữ tiến hành chăm sóc lúa lần 1 được trên 2 nghìn ha, chăm sóc lần 2 được hơn 500ha trong tổng số trên 3,9 nghìn ha lúa mùa. Để hạn chế thấp nhất khả năng gây hại của các đối tượng sâu bệnh, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời khuyến cáo nông dân những biện pháp phòng, trừ hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để nhân dân nắm rõ tình hình, diễn biến thời tiết, sâu bệnh, tiến hành phun trừ một cách đồng loạt, đúng kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. HTX dịch vụ nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi điều tiết đủ nguồn nước cho lúa mới cấy; huy động mọi nguồn lực, máy bơm cấp nước cho lúa, thường xuyên bảo đảm đủ nước trên ruộng từ 3 - 5cm, để lúa đẻ nhánh thuận lợi, sớm đạt số nhánh tối đa; tích cực, chủ động phòng, chống úng ngập, bảo vệ mùa màng...

Chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa ngay từ đầu vụ có ý nghĩa quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo thời điểm này, nông dân cần tiến hành tỉa, dặm bảo đảm mật độ trên lúa gieo thẳng và lúa cấy (nơi bị chuột hoặc sâu bệnh phá hại). Những ruộng đã phun thuốc trừ cỏ nhưng hiệu quả thấp, ruộng bị nghẹt rễ sinh lý phải kết hợp làm cỏ sục bùn và bón thúc cho lúa. Đối với các chân ruộng lúa đã bón thúc lần 1, tiến hành bón thúc lần 2 đúng theo quy trình kỹ thuật của từng giống, bón đủ lượng, ưu tiên bón Kali để cây lúa tăng cường tích lũy chất khô, thuận lợi cho đẻ nhánh hữu hiệu, tăng khả năng chống đổ, đồng thời dặm bổ sung bảo đảm đủ mật độ những nơi bị mất khóm do ngập hoặc ốc bươu vàng, chuột gây hại để bảo đảm năng suất lúa sau này. Đối với những ruộng mới cấy, chưa bón thúc lần 1 cần khẩn trương bón thúc lần 1 ngay khi lúa bắt đầu bén rễ hồi xanh. Bón cân đối các loại phân N:P:K, chỉ sử dụng các loại phân NPK tổng hợp, không bón phân đơn, bón thừa phân đạm. Những ruộng trũng, đất chua bị rêu bao phủ, ngoài việc bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật, cần bón bổ sung thêm từ 20 - 25kg vôi bột/1 sào để khử chua, hạn chế bệnh nghẹt rễ sinh lý; những diện tích lúa đã bón thúc mà lúa vẫn còn xấu, cây lúa sinh trưởng kém, chậm hồi phục sau cấy phải bổ sung dinh dưỡng cho lúa bằng cách phun thêm phân bón qua lá (loại kích thích rễ) kết hợp làm cỏ sục bùn để lúa nhanh hồi phục, sinh trưởng, phát triển tốt. Trên các diện tích lúa lai, cần bón đủ lượng, bón cân đối, bón tăng từ 15 - 20% Kali (tập trung vào lần bón thúc 2 và bón đón đòng) so với các giống lúa khác để tăng khả năng chống chịu bệnh bạc lá ngay từ giai đoạn đầu và để bảo đảm số dảnh hữu hiệu, tăng tỷ lệ hạt chắc sau này. Thường xuyên bảo đảm đủ nước trên ruộng từ 3 - 5cm để lúa đẻ nhánh thuận lợi, sớm đạt số nhánh tối đa. Cùng với đó, tập trung phòng, trừ sâu bệnh và các đối tượng gây hại như: Ốc bươu vàng, chuột… 

 

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 27

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân