Bạn đang ở đây

Công nghệ giúp thoát được mùa, mất giá

(01.07.2015)

(Website HNDHY) - Người ta sẽ dễ dàng đồng ý với nhau về câu nói “không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi”. Nhưng khi cầm trên tay que kem mát rượi ngày hè, hay quả vải thiều ấp ủ ánh nắng hè ấm nóng trong ngày đông tháng giá, hẳn không ít người sẽ thốt lên: “thật tuyệt vời”!

Thưởng thức ngay, cho dù giá cả có cao hơn một chút! Đó là lựa chọn dễ hiểu của người tiêu dùng. Nhưng với các chủ trang trại đang chán ngấy với việc trông chờ “giải cứu nông sản” mỗi vụ; hay những doanh nhân không chịu đầu hàng trước điệp khúc “được mùa - mất giá”, hẳn họ sẽ suy nghĩ sâu hơn về vấn đề này.

Sản xuất xứ nóng, bán hàng xứ lạnh

Sau chuyến công tác tại Mỹ về cách đây chưa lâu, nhà báo Hoàng Trọng Thủy – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới có kể với người viết một câu chuyện về “Bà Vườn” ở quận Cam, bang California (Mỹ). Bà Vườn tên thật là Yến - người gốc Hưng Yên di cư vào Nam trước năm 1960. Bà lấy chồng người Mỹ và theo chồng sang Mỹ từ năm 1975. Cũng chọn cách làm nông, nhưng bà đã có cách làm rất thú vị: Sản xuất nông nghiệp từ Califoria (xứ nóng miền Tây nước Mỹ) rồi đưa bán sản phẩm sang miền Đông nước Mỹ (xứ lạnh). Mặc dù, việc vận chuyển nông sản bằng máy bay có giá cước rất cao, khoảng cách hàng ngàn cây số, nhưng Bà Vườn vẫn có lãi hàng chục nghìn USD mỗi năm. Từ bàn tay trắng, bà Vườn đã có vài trăm triệu USD, đó là chưa kể bà đang sở hữu 343ha đất trồng trọt ở hai miền và có hàng trăm trang trại làm vệ tinh cung cấp nguồn hàng ổn định. 

Điều gì đã làm nên sự giàu có của Bà Vườn – một nông dân gốc Việt ở một nước có nền nông nghiệp hiện đại, tràn ngập hàng hoá tối tân? Đó chính là tư duy và cách làm ăn khác người, đem nông sản mùa hè bán vào mùa đông, đem hàng của xứ lạnh bán cho xứ nóng. Nói theo ngôn ngữ xúc tiến thương mại là đem cái mới, cái lạ thâm nhập và làm thay đổi thị trường truyền thống, kích thích sự chú ý và hứng khởi trong người tiêu dùng để thu được giá trị sinh lời cao.

Nghịch mùa vụ, thuận “cung - cầu”

Trong những ngày tháng 6 vừa qua, trái vải thiều đã và đang được nông dân và doanh nghiệp quan tâm, sức nóng của nó lan truyền từ nhà vườn đến bàn nghị sự cấp bộ, ra nghị trường Quốc hội. Trái vải thiều đã bắt đầu có những cuộc hải hành thử nghiệm xuyên Thái Bình Dương. Năm nay, trái vải không chỉ còn chờ thị trường Trung Quốc, mà đã có tín hiệu tốt hơn từ thị trường châu Âu, Australia (Úc), Malaysia và một vài tia hy vọng từ thị trường Mỹ.

Ngày 15.6 vừa qua, ông Hugh Borrowman - Đại sứ Úc tại Việt Nam đã phát biểu: “Tôi rất vui mừng trước sự kiện thị trường Úc đã mở cửa đón nhận trái vải tươi từ Việt Nam… Thật tuyệt vời khi người tiêu dùng Úc sẽ có cơ hội nếm thứ quả ngon này ngay trong mùa vải 2015, tôi chắc chắn người dân Úc sẽ đón nhận sản phẩm chất lượng cao và đầy hương vị này - giống như người Việt đang được nếm các loại hoa quả tươi của Úc như nho, cam và cherry”.

Để có được kết quả này, bên cạnh sự hợp tác tích cực của Bộ Nông nghiệp hai nước, có điều về mặt thị trường cần phải nhấn mạnh: Đó là trái vải tươi vào Úc thuận lợi, bởi được trồng trái vụ với cây vải ở Úc. Vì vậy, cho dù cước phí vận chuyển đã làm đội giá lên đáng kể, vải Việt Nam vẫn có cơ hội vì không phải cạnh tranh trực tiếp với trái vải nước chủ nhà.

Đi sau trái thanh long, hướng xuất khẩu nghịch vụ vào Mỹ cũng đã diễn ra với trái chôm chôm và ổn định với khoảng 300 tấn/năm, từ năm 2011. Nếu vào chính vụ, chôm chôm Việt Nam không cạnh tranh nổi với trái cây đồng loại của Thái Lan, Indonesia hay chôm chôm Mexico, Guatemala (vốn lợi thế gần nơi tiêu thụ, chi phí vận chuyển và bảo quản thấp, chôm chôm tươi và giá rẻ).

So với chôm chôm, trái vải thiều gặp khó khăn nhiều hơn. Cho dù năm nay, phía Mỹ đã cho phép nhập khẩu vải thiều Việt Nam, nhưng lô xuất khẩu thử nghiệm đầu tiên sang Mỹ của một doanh nghiệp Việt Nam trong tháng 6 đã cho thấy đường của quả vải Việt quá đỗi gian truân vì phải cạnh tranh đồng vụ với vải thiều từ nước khác.

Chiếm lĩnh thị trường Mỹ từ trước đã có vải thiều Trung Quốc (chín sớm hơn vải thiều Việt Nam một chút), vải Mexico... Giá vải thiều Trung Quốc tại Mỹ được bán khá rẻ, trong khi trái vải Việt Nam đi bằng máy bay sang đến Mỹ có giá đắt hơn nhiều. Đó là chưa kể, nông dân Mỹ cũng trồng vải thiều và cung cấp cho thị trường nội địa nước này với giá thấp hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Việt Nam. Có lẽ vì vậy, Công ty TNHH Rồng Đỏ của Việt Nam đã tạm dừng đưa vải sang Mỹ sau chuyến thử nghiệm ngày 10.6.2015 để cân nhắc có nên tiếp tục chấp nhận rủi ro hay không.

Thí điểm CAS với vải, tôm sú và cá ngừ

Một lĩnh vực được coi là góp phần bảo toàn được giá trị của nông sản sau một thời gian dài hơn thông thường từ vài tháng tới vài năm, đó là khâu bảo quản nông sản bằng công nghệ tiên tiến, tức có thể lưu giữ được “nắng hè” chờ bán ra vào “ngày tuyết trắng”. Trong đó, công nghệ  CAS (Cells Alive System) - công nghệ bảo quản hiện đại hàng đầu thế giới đang được Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) triển khai tại Việt Nam. 

Công nghệ CAS là sáng chế độc quyền của Nhật Bản, được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp tại Nhật Bản và được công nhận ở 22 nước, vùng lãnh thổ và khối Liên minh châu Âu. Việt Nam là nước thứ 8 được chuyển giao công nghệ này. Nguyên lý hoạt động của CAS là kết hợp giữa đông lạnh nhanh ở nhiệt độ âm 45 độ C với việc tạo từ trường, điện tử và sóng siêu âm, nhằm bảo quản sản phẩm tươi sống, giúp các phân tử nước trong tế bào phân tán trở nên linh hoạt, không bị tập trung, đóng băng trong thời gian bảo quản. Nhờ vậy, cấu trúc mô tế bào trong quá trình bảo quản lạnh sẽ không bị phá vỡ, ức chế quá trình oxy hóa, chống sự nhiễm khuẩn và làm cho sản phẩm giữ nguyên hương thơm, mùi vị và lượng nước cần thiết để làm tươi sản phẩm trong một thời gian từ 5 -10 năm. Đây là công nghệ sạch và kinh tế trong bảo quản nông sản, thực phẩm tươi. 

Từ cuối tháng 6.2013, Phòng thí nghiệm CAS đặt tại Viện Nghiên cứu và phát triển Vùng, thuộc Bộ KHCN, đã đi vào hoạt động. Công nghệ này đang được thí điểm trên vải, tôm sú và cá ngừ. 

Trọng Nhân: Giảm vụ thuận, tăng vụ nghịch

“Nông dân Việt Nam rất thông minh lại có kỹ thuật tốt, khả năng nắm bắt thông tin thị trường cũng nhanh nhạy hơn nên mấy năm gần đây bà con đã biết sản xuất rải vụ, giảm vụ thuận, tăng vụ nghịch. Từ đó giúp tăng giá trị cho cây trồng, tránh được tình trạng “dội chợ, rớt giá”. Với lợi thế sản xuất được quanh năm, trái cây nhiệt đới Việt Nam đang ngày càng được nhiều nước trên thế giới biết đến, hiện đã xuất khẩu qua hơn 50 nước trên thế giới”.

TS Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam

Khoa học công nghệ đẩy lùi giới hạn của tự nhiên

“Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, khoa học công nghệ (KHCN) trong thời gian qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, gắn liền với xu hướng chung của phát triển xã hội và nhu cầu phát triển của thị trường. Bên cạnh sự đầu tư định hướng của Nhà nước là sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước, họ ngày càng nhận thức được rằng nếu thiếu KHCN thì kinh doanh chỉ mang tính thời vụ, không bền vững.  

GS-TS Đỗ Năng Vịnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.

 

Theo danviet

Lượt xem: 4

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân