Bạn đang ở đây

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp giảm nghèo bền vững

(26.06.2015)

(Website HNDHY) - Đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn nói chung, dạy nghề cho nông dân nói riêng nhằm trang bị kỹ năng cho họ trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ tăng cường chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong những năm vừa qua, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho 17.000 người lao động, trong đó có 129.167 hội viên hội nông dân sinh hoạt trong 1.948 chi hội của 2.582 tổ hội và 225 câu lạc bộ nông dân lồng ghép.

Với vai trò tuyên truyền, vận động, tư vấn, giới thiệu việc làm và trực tiếp tổ chức đào tạo dạy nghề cho nông dân, trong những năm qua Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với sở Lao động – Thương binh và Xã hội đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ.Tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với nông dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hội nghị tập huấn, hội nghị sơ kết tuyên truyền tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân. Đồng thời giúp cho họ hiểu rõ về mục đích, vai trò, ý nghĩa, hiệu quả của Đề án đào tạo nghề.

Sau 5 năm 2011 – 2014, Hội Nông dân tỉnh đã phát hành 524 tin, ảnh, bài và xuất bản 4.500 cuốn sinh hoạt chi Hội phát hành đến 4.150 chi Hội, tập san Hòa Bình toàn cảnh 1.100 cuốn có chuyên đề tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, tư vấn học nghề thông qua sàn giao dịch việc làm và tại các cơ sở vệ tinh tại các huyện với tổng số hơn 19 ngàn lượt người.Tổ chức đào tạo được 627 lớp dạy nghề theo các trình độ Sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 17.957 người, đạt 39,9% , trong đó nghề phi nông nghiệp 10.016 người, đạt 50,1%, nghề nông nghiệp: 7.941 người, đạt 31,7% so với cả giai đoạn.

Qua việc đào tạo nghề cho nông dân đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng lao động là hội viên hội nông dân trong việc đào tạo nghề  và giải quyết việc làm. Với mục tiêu tạo điều kiện để nông dân có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất chính trên quê hương mình, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững của địa phương và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 25% năm 2010 lên 41% năm 2014.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ những tồn tại, thiếu sót đó là việc tham mưu và phối hợp giữa các ngành chức năng với tổ chức hội các cấp trong quá trình triển khai thực hiện còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, đào tạo  nghề chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, chưa đáp ứng nhu cầu người học nghề của thị trường lao động. So với nhu cầu học nghề của nông dân trên địa bàn tỉnh thì nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm cho dạy nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học nghề.

Nhận thức về tầm quan trọng của học nghề ở một bộ phận người nông dân chưa cao, tâm lý ngại học, cam chịu cuộc sống khó khăn không có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Công tác rà soát nhu cầu học nghề và ngành nghề chưa được cập nhật thường xuyên. Công tác lựa chọn nghề, chương trình đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu người học của từng địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề còn thiếu, đội ngũ giáo viên cơ hữu chưa đủ theo quy định.

Để tăng cường, phát huy vai trò của hội nông dân và các hội viên trong thời gian tới Hội Nông dân các cấp cần phải thực hiện đồng bộ một số nội dung.

Cần phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của nông dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, ngyện vọng của nông dân và hỗ trợ nông dân trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Cần chú trọng các chương trình nghiên cứu, khảo sát đánh giá đúng những yếu tố tác động, xu hướng diễn biến về tâm tư, nguyện vọng, về sự di động, về biến đổi cơ cấu trong nông dân tại mỗi địa phương để có chính sách đối với nông dân và công tác nông dân phù hợp.

Đổi mới và kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cấp Hội nông dân, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách  tinh gọn.Nâng cao nhận thức về tình cảm - trách nhiệm - năng lực - bản lĩnh của hội, nhất là vai trò giám sát và phản biện xã hội. Vận động nông dân thực hiện chính sách, pháp luật và giám sát các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước trong việc thực thi chính sách đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện mới.

Thường xuyên tập hợp ý kiến, nguyện vọng , bức xúc của cơ sở; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, tạo điều kiện cho họ được học tập, lao động, nâng cao trình độ về mọi mặt. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, phối hợp chặt chẽ với các  cơ quan nhà nước.

Cuối cùng cần tích cực tham gia giải quyết việc làm cho nông dân, dạy nghề cho nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động và tích cực hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.Vận động nông dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước; thu hút  các giai tầng khác, nhất là công nhân, trí thức, doanh nhân vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

 

Theo hoinongdan.org.vn

Lượt xem: 5

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân