Bạn đang ở đây

Đầu xuân, nông dân "bật mí" bí quyết làm giàu

(04.02.2020)

(Website HNDHY) - Sinh ra ở làng, từ những người nông dân chân chất với khát vọng cháy bỏng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, được sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, họ đã làm giàu bằng bàn tay, khối óc, tinh thần dám nghĩ dám làm... Tản mạn dịp đầu xuân, chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với một số nông dân xứ nhãn xuất sắc, tiêu biểu về sản xuất, kinh doanh.

* Gương mặt đầu tiên kể đến là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018” Nguyễn Hữu Hà, sinh năm 1979 ở xã Tân Dân (Khoái Châu).

Nhìn vẻ ngoài “bụi bặm”, ít người nghĩ rằng đây là một tỷ phú nông dân. Vừa làm vừa trò chuyện, anh Hà tâm sự, trước đây gia đình anh rất nghèo, vì thế anh đã phải nghỉ học từ năm 13 tuổi, bươn chải ở chợ Long Biên (Hà Nội) để kiếm sống, phụ giúp gia đình nuôi em ăn học. Với ý chí, quyết tâm không khuất phục trước đói nghèo, anh âm thầm tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ thực tế, quyết chí làm giàu.

Trả lời câu hỏi “Tại sao ại chọn cây chanh làm hướng đi phát triển kinh tế”, anh cho biết, huyện Khoái Châu nói chung và xã Tân Dân nói riêng có truyền thống canh tác cây ăn quả các loại như: Bưởi, nhãn, cam, ổi, táo... nếu như làm theo cách đó thì mình sẽ không theo kịp người ta. Vì thế tôi đã nghiên cứu và thấy rằng, quả chanh dù chỉ là một món gia vị, song bữa ăn hàng ngày các gia đình nhà nào cũng cần, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, vì thế tôi lựa chọn trồng chanh. Ban đầu có người còn hoài nghi, cho rằng sẽ không hiệu quả, song tôi tự tin với lựa chọn của mình và quyết tâm thực hiện. Qua tìm tòi nghiên cứu, tôi thấy rằng giống chanh tứ quý (nhập từ Úc) là giống cho quả quanh năm; quả to, mẫu mã đẹp, cho giá trị kinh tế cao; không chỉ ăn quả, cây chanh có thể tạo thế để chơi vào dịp lễ, tết... Ban đầu tôi chỉ trồng trên diện tích đất của gia đình, thấy hiệu quả, năm 2012, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất trên diện tích 2 mẫu, phát triển dần cho đến nay diện tích trồng chanh tứ quý của gia đình tôi đã mở rộng sang các địa phương khác như: Bắc Ninh, Bắc Giang với tổng diện tích khoảng 12,5 ha  (cả cây chanh ăn quả và cây chanh cảnh)...

Cùng với nâng cao hiệu quả sản xuất, trong khâu tiêu thụ, tôi chủ động thực hiện các hoạt động tiếp thị đưa sản phẩm của mình tiếp cận với các kệ hàng trên thị trường, từ cao cấp cho đến bình dân, song hiện nay, sản phẩm của gia đình tôi chủ yếu tiêu thụ trong các siêu thị ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng; thành phố Hồ Chí Minh... Từ hiệu quả sản xuất của gia đình, tôi đã tuyên truyền cho một số hộ ở xã cũng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chanh tứ quý. Đồng thời, để  bảo đảm có tư cách pháp nhân ký kết các hợp đồng lớn; đầu ra ổn định cho sản phẩm; sản xuất theo chuỗi và  bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân các cấp, năm 2017 tôi đã vận động thành lập Hợp tác xã nông sản Phú Quý với 60 thành viên tham gia. Chọn hướng đi đúng, sáng tạo trong sản xuất và tiêu thụ, mô hình trồng chanh tứ quý của gia đình tôi đã đem lại hiệu quả rõ rệt, doanh thu hàng năm đạt khoảng 14 tỷ đồng; tạo việc làm cho từ 30 - 35 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng...

* Cùng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, anh Võ Tuấn Phong (sinh năm 1973) là một trong những người tiên phong và có đóng góp tích cực cho sự hình thành và phát triển của làng nghề trồng hoa, cây cảnh xã Xuân Quan (Văn Giang). Anh Phong tâm sự, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự tạo điều kiện của địa phương cho phép chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; từ năm 1998, anh đã tìm vào tận Sa-Đéc (Đồng Tháp) và Đà Lạt (Lâm Đồng) để tìm mua cây giống và hạt hoa về gieo trồng, đồng thời cung ứng giống cho các hộ sản xuất, kinh doanh hoa cây cảnh, góp phần thúc đẩy sự hình thành làng nghề trồng hoa, cây cảnh tại địa phương.

Anh Võ Tuấn Phong, xã Xuân Quan (Văn Giang)

Hàng năm mô hình của gia đình anh Phong nhập khẩu các loại hoa và giống hoa, cây cảnh ở trong nước và nước ngoài lên đến hàng trăm tỷ đồng để cung cấp cho thị trường. Mô hình kinh tế của gia đình anh cứ thế phát triển dần theo từng năm. Đến nay quy mô sản xuất của gia đình hiện có tổng diện tích là 15 mẫu cây cảnh và cây công trình; ươm và trồng cây tại địa phương, khi cây phát triển ổn định, đẹp, bảo đảm chất lượng thì bán và trồng cho khách hàng có nhu cầu.

Từ mô hình này đã đem lại nguồn thu ổn định hàng tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2019, gia đình anh đã đầu tư cho mô hình 28 tỷ đồng, lợi nhuận thu được sau khi đã trừ chi phí ước đạt 4 tỷ đồng. Từ mô hình này hàng năm tạo việc làm cho 15 đến 20 lao động với thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng; cao điểm những tháng cuối năm phải thuê thêm từ 25 đến 30 lao động mỗi ngày. Mô hình kinh tế của gia đình phát triển, anh Phong tích cực tham gia hoạt động trong chi, tổ hội nghề nghiệp nông dân; tham gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế phát triển, gia đình anh còn tích cực tham gia công tác xã hội. 5 năm qua, gia đình đã giúp đỡ 12 hộ thoát nghèo bằng việc hỗ trợ vốn về cây giống và kỹ thuật chăm sóc cây, bao tiêu sản phẩm.

* Anh Ngô Đức Thắng ở xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) từ đói nghèo vươn lên thành tỷ phú nhờ nghề chăn nuôi, sản xuất, cung ứng vịt giống, trứng vịt thương phẩm.

Anh Thắng tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng quê thuần nông; năm 1995 xây dựng gia đình, đi làm nhiều nghề mà mãi không khá lên được, khó khăn cứ đeo bám mãi. Không chấp nhận đói nghèo, năm 2002 sau khi đi nhiều nơi tìm hiểu và học tập kinh nghiệm, tôi đã bàn bạc với gia đình, được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân xã, gia đình tôi đã được phép dồn đổi, chuyển đổi được trên 6,8 nghìn mét vuông đất để xây dựng trang trại.

Hướng đi của tôi là xây dựng chuồng trại nuôi vịt đẻ, đào ao thả cá và trồng cây ăn quả. Trang trại phát triển dần, đến năm 2007 làm ăn có lãi, gia đình tôi mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm 4 mẫu ruộng, nuôi thêm 4.000 con vịt đẻ, đầu tư thêm 15 máy ấp trứng. Ngoài ấp trứng phục vụ chăn nuôi cho gia đình, tôi còn nhập trứng về, một phần ấp nở bán con giống, một phần cung ứng giống thương phẩm, bao tiêu sản phẩm cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Sản xuất và kinh doanh có lãi, gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm máy móc trang thiết bị hiện đại và mở rộng diện tích sản xuất, chăn nuôi. Đến nay tổng diện tích chuyển đổi của gia đình tôi là 12,2 ha. Việc áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất luôn được tôi ưu tiên đầu tư. Hiện nay, gia đình tôi nuôi 8 nghìn con vịt đẻ; hệ thống chuồng trại chăn nuôi và máy ấp nở con giống rộng 7,2 mẫu, ao thả cá rộng 5 mẫu và 25 mẫu  đất trồng cây ăn quả hàng năm như bưởi Diễn, cam Vinh, na, mít…

Từ mô hình này, gia đình anh Thắng có mức thu nhập bình quân (đã trừ chi phí) hàng năm từ 4 - 6 triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương; bản thân anh Thắng tích cực tham gia công tác xã hội với vai trò Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão.

Theo baohngyen.vn

Lượt xem: 26

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân