Bạn đang ở đây

Đẩy mạnh việc “ Xây dựng gia đình nông dân văn hóa” gắn với việc xây dựng hình mẫu người nông dân mới.

(19.09.2018)

(Website HNDHY) - Trong những năm qua, các cấp Hội nông dân tỉnh Hưng Yên đã tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình nông dân văn hóa gắn với việc xây dựng hình mẫu người nông dân mới, tham gia xây dựng làng, xã văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội… đạt nhiều kết quả tích cực. Phong trào thực sự đi vào chiều sâu, được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh hưởng ứng.

Căn cứ vào tiêu chuẩn gia đình văn hóa và những đặc thù của tổ chức Hội, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nông dân hiểu và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gia đình văn hóa nói chung, xây dựng gia đình nông dân văn hóa nói riêng thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, các buổi sinh hoạt các loại hình CLB của nông dân với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn như: Hội thi, hội thao, liên hoan văn nghệ quần chúng. Đặc biệt là đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở đã tích cực viết tin, bài tuyên truyền, phản ánh gương người tốt, việc tốt trong thực hiện phong trào qua cổng thông tin điện tử Website và Bản tin Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng đời sống văn hóa trong cán bộ, hội viên nông dân; đồng thời thực hiện đầy đủ các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới ở cơ sở, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nông thôn; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hoàn thiện cơ bản các thiết chế nông thôn, tạo điều kiện để cán bộ, hội viên nông dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và du lịch. Hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành huy động mọi nguồn lực giúp đỡ hội viên nông dân để ngày càng hoàn thiện nâng cao chất lương 04 tiêu chí của một gia đình văn hóa. Với tiêu chí Gia đình ấm no, hoà thuận, tiến bộ, khoẻ mạnh và hạnh phúc, Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phát động và tổ chức thực hiện khá tốt phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Bình quân, hàng năm có 67.051 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các cấp Hội thường xuyên chú trọng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức thăm quan học tập các mô hình kinh tế tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Giao chỉ tiêu thi đua, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo phong trào một cách sát thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa và thu hút được đông đảo hội viên nông dân tham gia

Để hỗ trợ nguồn vốn cho hội viên phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền và vận động hội viên nông dân xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, đến nay tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh quản lý là 65.019,08 tỷ đồng cho trên 3.000 lượt hội viên vay; nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 759.493 triệu đồng cho 27.758 lượt hộ vay, dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là trên 752.950triệu đồng cho hội viên nông dân vay.

Hằng năm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức giải bóng chuyền “Bông lúa vàng” và Hội thao nông dân. Mỗi giải đấu thu hút hàng nghìn vận động viên là hội viên nông dân của 159 cơ sở Hội trong tỉnh tham gia tranh tài. Qua giải đấu góp phần khơi dậy, thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao nói chung và môn bóng chuyền nói riêng, nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh.

Để giúp hội viên thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, trong những năm qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các phong trào thi đua yêu nước được 6.507 buổi cho 523.792 lượt hội viên. Làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy hiệu quả tủ sách pháp luật. Hàng năm, Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tổ chức 25 - 30 lớp tuyên truyền về PBGDPL trọng tâm là tuyên truyền Hiến pháp và Luật Đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật hôn nhân và gia đình cho trên 1.840 lượt hội viên nông dân, tổ chức 34 lớp tư vấn và trợ giúp pháp lý lưu động cho trên 2.750 lượt hội viên nông dân. Sân khấu hóa các phương pháp tuyên truyền thông qua việc tổ chức Hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” tỉnh Hưng Yên , Hội thi  ”Nhà nông đua tài”  thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Phong trào đã giúp cho hội viên nông dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa và tác dụng thiết thực; thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư nông thôn.   Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã tích cực tham mưu cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy Hưng Yên về việc Phát động cán bộ, hội viên nông dân ủng hộ, tôn tạo Di tích Đền thờ Hoàng Hoa Thám tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ; tham gia xây dựng quỹ Hạt thóc Vàng do Trung ương Hội phát động.

Tuyên truyền vận động hội viên nông dân thực hiện tốt việc Kế hoạch hóa gia đình gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa. Vận động nông dân hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền vận động hội viên nông dân đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hoá, không vi phạm chính sách dân số KHHGĐ, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ Hội. Thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; hướng dẫn, vận động hội viên nông dân thành lập mới được 183 mô hình bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và bảo vệ trật tự, trị an trong thôn, xóm. Hằng năm qua bình xét đã có 174.153 hộ đạt gia đình nông dân văn hóa.

Việc đoàn kết, tương trợ hội viên trong cộng đồng dân cư cũng được các cấp hội tích cực thực hiện bằng nhiều hình thức. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 04 hợp tác xã (HTX), 64 mô hình kinh tế tập thể, nhiều mô hình liên kết có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động cho thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Trong 5 năm qua, các hộ nông dân đã giúp nhau 5,7 tỷ đồng, 25.947 ngày công lao động, hỗ trợ cây con giống trị giá trên 7 tỷ đồng giúp đỡ 6.886 hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3,41%. Chương trình “Tiếp sức nhà nông đưa con đến trường” trao nguồn vốn cho 60 hộ vay không tính lãi trong 02 năm và hỗ trợ thức ăn chăn nuôi tổng số tiền 2 tỷ 380 triệu đồng; đồng thời tổ chức trao quà cho 120 em học sinh của 120 hộ tham gia chương trình với số tiền là 120 triệu đồng (đã thực hiện chu kỳ thứ 2).  Ngoài ra Hội còn phối hợp cùng UBND các xã và Hội khuyến học thực hiện tốt công tác khuyến học khuyến tài, tích cực thực hiện tốt công tác bảo trợ trẻ em là con cán bộ hội viên nông dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp tục cắp sách đến trường.

Đến nay, phong trào “xây dựng gia đình nông dân văn hóa” do Hội vận động đã phát huy hiệu quả, không những bảo tồn, gìn giữ, phát triển nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán của nhân dân mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần hạn chế, đẩy lùi các phong tục tập quán lạc hậu trong xã hội, an ninh chính trị được giữ vững, tình làng nghĩa xóm, ngày càng được phát huy.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện phong trào vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Một số nơi cán bộ, hội viên nông dân vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ, đúng mức, chưa thấy hết ý nghĩa, tác dụng của phong trào đối với việc góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong tỉnh khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm với các giải pháp cơ bản, cụ thể như:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tập trung tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với việc giáo dục, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Gắn việc chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của công tác hội và phong trào nông dân; phát huy vai trò tổ chức hội trong việc xây dựng gia đình nông dân văn hóa;  kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu trong thực hiện phong trào.

Chủ động tham mưu, phối hợp và tranh thủ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Xây dựng gia đình nông dân văn hóa” gắn với việc xây dựng hình mẫu người nông dân mới, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua trong hệ thống Hội ngày càng phát triển sâu rộng trong đời sống của người dân nông thôn.

Đồng chí Phạm Thanh Bình

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên

Lượt xem: 55

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân