Bạn đang ở đây

Đồng ruộng vào vụ lúa mùa

(25.06.2018)

(Website HNDHY) - Những ngày này, không khí lao động trên khắp các cánh đồng sản xuất lúa của tỉnh luôn nhộn nhịp và gấp gáp. Sau khi thu hoạch xong lúa xuân, các chủ máy kéo thay phiên làm đất suốt ngày đêm; nông dân tập trung xuống đồng vạc bờ, cuốc góc, tập kết vật tư nông nghiệp... chuẩn bị các điều kiện gieo cấy lúa mùa theo đúng lịch thời vụ.

Do đặc thù giữa thu hoạch vụ lúa xuân và gieo cấy lúa mùa diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, đòi hỏi các công đoạn như thu hoạch lúa xuân, làm đất, gieo mạ vụ mùa cần được diễn ra trong cùng thời điểm. Trước áp lực về thời vụ, ngành Nông nghiệp và PTNT, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp sản xuất, đồng thời tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thu hoạch lúa xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, “thu hoạch lúa đến đâu làm đất ngay đến đó”...

Bà Nguyễn Thu Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ân Thi cho biết: Vụ mùa năm nay, huyện có kế hoạch gieo cấy trên 7,6 nghìn ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 56 tạ/ha, trong đó bố trí gieo cấy lúa trà sớm chiếm khoảng 10 - 15% diện tích, lúa trà trung chiếm khoảng 85 - 90% diện tích; lúa chất lượng cao chiếm 65% diện tích gieo cấy. Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức giao ban sản xuất tới các thôn, xóm và phân công cấp ủy, thành viên UBND phụ trách chỉ đạo từng thôn, xóm nghiêm túc chấp hành cơ cấu giống và lịch thời vụ, kiên quyết không để gieo, cấy lúa mùa chậm hơn so với lịch chỉ đạo chung của huyện để tránh bị ảnh hưởng của mưa, bão, úng đầu vụ và ảnh hưởng tới sản xuất vụ đông... Với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện và các xã, thị trấn, đến ngày 20.6, nông dân trong huyện đã chuẩn bị đủ lúa giống, vật tư phân bón và làm đất đợt 1 được gần 7 nghìn ha, làm đất đợt 2 được gần 1 nghìn ha, gieo mạ được trên 650ha mạ, gieo thẳng được trên 50ha.

Cùng thời gian này, nông dân huyện Tiên Lữ đã và đang tích cực chuẩn bị thóc giống để gieo mạ, vật tư phân bón và huy động phương tiện làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ mùa. Ông Nguyễn Văn Nam ở xã Hưng Đạo cho biết: “Vụ này tôi gieo cấy 5 sào lúa gồm các giống Nếp thơm Hưng Yên và thơm RVT, dự kiến sau thu hoạch sẽ trồng cây vụ đông. Để bảo đảm thời vụ, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, gia đình tôi đã làm đất để gốc rạ phân hủy, hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh sang vụ sau, đồng thời chuẩn bị lượng thóc giống, phân bón cần thiết để gieo cấy. Ngoài ra, gia đình tôi còn nhận làm đất cho những hộ có nhu cầu tại địa phương”. 

Được biết, vụ mùa năm nay, huyện Tiên Lữ khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, phấn đấu gieo cấy 62% diện tích với các giống như: Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, T10, Nếp thơm Hưng Yên... còn lại là lúa năng suất cao. Với phương châm “3 nhanh” trong thu hoạch lúa xuân và gieo cấy lúa mùa, đến nay huyện Tiên Lữ đã làm đất để gieo cấy được hơn 3 nghìn ha, gieo mạ được trên 10ha.

Qua tổng hợp của các địa phương, đến ngày 20.6, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch xong diện tích lúa xuân, làm đất được khoảng 20 nghìn ha, gieo mạ được trên 1,4 nghìn ha, gieo thẳng được trên 200ha. Để đáp ứng nhu cầu gieo cấy của nông dân, các doanh nghiệp, đại lý đã chủ động cung ứng đủ thóc giống, phân bón và các vật tư cần thiết. Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi và địa phương đã chủ động tu bổ, sửa chữa trạm bơm, trục vớt vật cản, khơi thông dòng chảy, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống úng bảo vệ lúa mùa và các cây trồng khác. 

Đồng chí Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết vụ mùa diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng xấu tới sản xuất vụ mùa. Vì vậy, các huyện, thành phố cần chỉ đạo các xã, thị trấn nghiêm túc chấp hành lịch cơ cấu giống và trà vụ, kiên quyết không để gieo cấy lúa mùa chậm hơn so với lịch của tỉnh, coi đây là biện pháp chỉ đạo trọng tâm cho thắng lợi vụ mùa và chuẩn bị làm vụ đông. Tập trung chỉ đạo quyết liệt không để nông dân gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 tại những chân ruộng trũng, đất chua và những chân ruộng hay bị bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn ở những vụ mùa trước, thay thế bằng giống lúa Nếp thơm Hưng Yên; giảm tối đa diện tích lúa Bắc thơm số 7 tại những chân ruộng khác, tiến tới bỏ hẳn không gieo cấy lúa Bắc thơm số 7 ở vụ mùa. 

Ngoài những giải pháp trên, các địa phương cần đẩy mạnh đôn đốc nông dân tập trung nhân lực, phương tiện xuống đồng làm đất, gieo mạ, chú ý làm đất kỹ nhuyễn, bảo đảm gieo cấy đúng thời vụ, không để mạ chờ ruộng; gieo cấy, chăm bón lúa theo hướng dẫn kỹ thuật của ngành Nông nghiệp và PTNT. Cùng với đó, các địa phương cần chủ động  thực hiện các phương án phòng, chống úng nội đồng bảo vệ lúa sau gieo cấy, đồng thời chuẩn bị nguồn thóc giống để gieo cấy bổ sung khi cần thiết.

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 22

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân