Bạn đang ở đây

Duy trì và phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của quê hương.

(28.12.2017)

(Website HNDHY) - Xã Phụng Công, huyện Văn Giang có rất nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế gia đình ổn định từ nghề làm và bán bánh tẻ với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thương hiệu bánh tẻ Phụng Công đã theo chân thực khách đi khắp mọi miền đất nước và còn vượt ra tầm thế giới để phục vụ cho những việt kiều có những niềm nhung nhớ với món đặc sản quê hương này.

Chị Đỗ Thị Nga (thôn Bến, xã Phụng Công) cho biết: Trước kia các gia đình trong thôn chỉ làm số lượng ít bánh tẻ để phụ vụ người thân, họ hàng vào các dịp lễ tết, một số hộ khác thì làm bánh bán để phục vụ nhu cầu ăn sáng cho người dân quanh vùng. Đến nay, giao thông thuận lợi hơn,  bánh tẻ đã trở thành món đặc sản được nhiều người ở các tỉnh trên cả nước biết đến và ưa chuộng, vì thế đã có đến 170 hộ trong làng chuyên sản xuất bánh tẻ với mục đích kinh doanh. Mỗi gia đình sản xuất trung bình 1.000 - 3.000 chiếc mỗi ngày, còn vào các dịp lễ tết thì mỗi ngày số lượng bánh có thể lên tới 5000, thu hút trên 500 lao động trong và ngoài xã tham gia.

So với nghề nông nghiệp, làm bánh tẻ vất vả hơn do phải thức khuya, dậy sớm, nhưng cho thu nhập khá hơn mà lại ổn định. Giá mỗi chiếc bánh tẻ Phụng Công từ 3.000 đến 5.000 đồng. Tùy theo đơn đặt hàng của khách mà người làm bánh lựa chiều để gói với tỷ lệ nhân và bột trong mỗi bánh cho phù hợp. Thời gian cao điểm của việc sản xuất và tiêu thụ bánh tẻ là từ tháng 9 đến tháng 3, đặc biệt dịp sát và sau Tết Nguyên đán. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là khách lẻ, cung cấp cho nhà hành và các khách đặt tại Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng và tham gia các hội chợ thương mại đặc sản vùng miền. Với mỗi chiếc bánh làm ra trung bình người làm bánh thu lãi được chừng 2.000 - 3.000 đồng. Tổng doanh thu của từ bánh tẻ mỗi năm vào khoảng 150 đến 300 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng bánh được bán ra.

Chia sẻ về cách làm bánh chị Nga cho biết: Nguyên liệu làm bánh rất đơn giản, gồm gạo tẻ thơm hoặc gạo PC, dẻo và nhân gồm thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, vỏ bánh được gói bằng lá dong bánh tẻ. Tuy nhiên để có được những chiếc bánh thơm ngon thì không phải chuyện dễ dàng, nó đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo trong các công đoạn mà quan trọng nhất là ráo bột. Gạo ngon sau khi ngâm 3-4 tiếng thì đem xay với nước vôi trong. Sau đó cho lên bếp đun và quấy đều tay với lửa nhỏ cho bột chín khoảng 50%, trong khi quấy cho vào bột một chút muối và mì chính. Đến khi bột hơi quánh, quấy thấy nặng tay là được. Khi bắc bột ra dùng máy đánh nhuyễn lại bột cho bột không bị vón cục. Đây là công đoạn quan trọng nhất quyết định chiếc bánh có ngon hay không, bột non hoặc già quá bánh đều không ngon. Cho bột lên mâm để khoảng 30-40 phút cho bột ráo và nguội bớt trước khi làm bánhTiếp theo là công đoạn chia bột. Dùng thìa xúc những phần bột lên lá dong chờ cho nhân. Nhân bánh gồm thịt lợn ba chỉ hoặc thịt vai  thái hạt lựu xào với mỡ, mộc nhĩ ngâm nở mềm rồi thái nhỏ xào chín, hành khô thái nhỏ rồi phi thơm. Tất cả cho vào trộn đều và đảo lại với hạt nêm, gia vị, hạt tiêu. Bánh cho nhân xong thì lót thêm 1 chiếc lá dong và gói lại để khi luộc bánh lá không bị rách. Chiếc bánh đẹp đòi hỏi sự khéo léo của người thợ làm bánh. Gói bánh sao cho hai đầu bánh thuôn dài, phần giữa gồ lên để chiếc bánh giống với cái răng bừa đây chính là nét đặc trưng riêng của thương hiệu bánh tẻ Phụng Công.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Nghề làm bánh tẻ tại địa phương đã có từ rất lâu đời, hiện nay nhu cầu thưởng thức ẩm thực dân gian ngày càng phát triển, đây chính là cơ hội để hội viên duy trì và phát triển kinh tế bằng nghề làm bánh tẻ truyền thống. Để bảo vệ thương hiệu chúng tôi thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động và tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ dân làm nghề sản xuất bánh tẻ đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tới đây chúng tôi sẽ đứng ra để thành lập tổ hội nghề nghiệp từ nghề truyền thống này để bảo vệ quyền lợi cho các hộ sản xuất và kinh doanh bánh tẻ trong xã. 

Nguyễn Văn Hợp

 

Hội Nông dân huyện Văn Giang

Lượt xem: 18

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân