Bạn đang ở đây

Hiệu quả từ đề án xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

(20.06.2019)

(Website HNDHY) - Ngày 20/6/2019 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên đồng chí Thào Xuân Sùng - UVBCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chủ trì  Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 24 - ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp.

Cùng dự có các đồng chí là Phó chủ tịch BCH Trung ương Hội, các đồng chí trong Ban Thường vụ, UVBCH Trung ương Hội và đại biểu của Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về phía tỉnh Hưng Yên có đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Phạm Thị Tuyến – UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo HND các huyện thành phố, thị xã, đại diện các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp trong tỉnh.

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ giới thiệu khái quát về tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, sau hơn 22 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Hưng Yên đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế hằng năm tăng trưởng ở mức khá so với bình quân chung cả nước, 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt khoảng 9,7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; thu ngân sách tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước; tính đến hết năm 2018 tỉnh Hưng Yên đã 2 năm hoàn thành nhiệm vụ Trung ương giao tự cân đối thu, chi; xây dựng nông thôn mới được duy trì, đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực... Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Nông dân trong việc tập hợp, tổ chức các phong trào, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Đảng, nhà nước và của tỉnh, tạo cơ hội cho các hội viên, nông dân phát huy sáng tạo, tinh thần hăng say lao động sản xuất vươn lên phát triển kinh tế nâng cao đời sống... Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, việc thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp là điều kiện thuận lợi để các hội viên, nông dân được tiếp cận và nắm chắc kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả cao; tăng cường mối liên kết trong sản xuất, xây dựng nhãn hiệu... Chi, tổ hội nghề nghiệp là mô hình tiên tiến, thu hút, tập hợp nông dân vào hội để tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc xây dựng, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân; là hướng đi đúng trong đổi mới mội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân các cấp. Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp cùng với mô hình hợp tác xã kiểu mới là bằng chứng sinh động cho thấy các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể... thực sự đi vào cuộc sống. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn Hưng Yên đăng cai tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 24 là cơ hội tốt để Hội Nông dân tỉnh và các cấp Hội Nông dân trong tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, góp phần làm tốt, củng cố, phát huy hơn nữa vị thế, vai trò đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân. Đồng thời, qua đây cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh có dịp được lắng nghe những ý kiến hay, cách làm sáng tạo ở từng cấp hội, góp phần cho công tác lãnh đạo chung của tỉnh về kinh tế hợp tác thông qua mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp và hợp tác xã.

Theo đó, ngay sau khi  Đề án 24 - ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp được ban hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc từ khâu quán triệt, nâng cao nhận thức đến việc ban hành các văn bản cụ thể hóa. Chọn 10 tỉnh, thành Hội đại diện các khu vực để chỉ đạo làm điểm, gồm: Thái Nguyên, Lào Cai, Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Long An, An Giang, Bạc Liêu; trong đó mỗi tỉnh, thành phố chọn từ 1 đến 3 cơ sở để tập trung chỉ đạo điểm. thành lập tổ hội nghề nghiệp, 01 đến 2 cơ sở Hội chỉ đạo xây dựng mô hình chi hội nghề nghiệp. Đối với các tỉnh, thành phố còn lại chỉ đạo mỗi đơn vị cấp huyện lựa chọn 01 cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình tổ hội nghề nghiệp; Ngoài ra, tùy điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương có thể lựa chọn để chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình chi hội nghề nghiệp.

Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, bổ ích đảm bảo 5 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi đã giúp cho việc tổ chức sinh hoạt được dễ dàng. Sau 3 năm thực hiện Đề án, đã có 683 chi hội nghề nghiệp được thành lập với 28.978 hội viên nông dân tham gia (bình quân 11 chi/tỉnh, thành - vượt chỉ tiêu rất cao so với chỉ tiêu của Đề án); trong đó trồng trọt 314 chi hội; chăn nuôi, khai thác nuôi trồng thủy sản 179 chi hội, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ khác 190 chi hội. Bình quân mỗi chi hội có từ 40 - 50 hội viên, chi hội nhiều hội viên nhất 287 hội viên (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), chi hội ít hội viên nhất 07 hội viên (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Và 14.812 tổ hội nghề nghiệp được thành lập với 166.477 hội viên tham gia (bình quân 235 tổ/tỉnh, thành vượt rất cao so với chỉ tiêu của đề án), trong đó trồng trọt có 9.577 tổ; chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản 3.490 tổ; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ khác 1.724 tổ. Bình quân 11 hội viên/tổ.

Thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm ;Thực hiện được chuỗi khép kín từ tạo vốn, cung ứng vật tư, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đã có 6.853 nhóm hộ nông dân và 28.398 hội viên nông dân được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số tiền là 688,943 tỷ đồng; 57.736 hộ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng số tiền là 799,397 tỷ đồng, 276.573 hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền là 3.300,863 tỷ đồng. Tổ chức tốt các hoạt động cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản  như:  Tổ hội tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với 9 thành viên, quy mô diện tích 1,2 ha, doanh thu 3 năm là 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân/năm là 810 triệu đồng; Chi hội chăn nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động với 40 thành viên, quy mô diện tích là 55 ha, lợi nhuận trung bình của các thành viên chi hội là  70 tỷ/năm, tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động ở địa phương thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chi hội sản xuất giống lúa chất lượng cao tại xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho năng suất cao, bình quân 7 tấn/ha, với 91 thành viên, quy mô 80 ha, doanh thu 3 năm là 1 tỷ 779 triệu đồng, cho lợi nhuận bình quân/năm 254 triệu đồng; đã ký hợp đồng với Công ty Lương thực Tiền Giang để thu mua lúa.

Trên nền tảng từ các tổ hội nghề nghiệp, chi hội nghề nghiệp của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã có 206 hợp tác xã, 1.690 tổ hợp tác được thành lập tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân. Nhờ sản xuất có hiệu quả hội viên còn tích cực đóng góp cho công trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp xây nhà tình thương, trang bị đèn đường xóm ấp nhằm đảm bảo an toàn giao thông cũng như tình hình an ninh ở địa bàn dân cư; Tổ hội còn đóng góp các loại quỹ do địa phương phát động, tổ chức thăm hỏi các thành viên trong hộ khi đau ốm 300 ngàn đồng/người, chế độ phúng viếng khi qua đời 500 ngàn đồng/người

Qua 3 năm triển khai thực hiện, về cơ bản đã thực hiện được các chỉ tiêu, nội dung, yêu cầu của Đề án đặt ra. Đề án đã được các cấp Hội quán triệt, triển khai bài bản, nghiêm túc, phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân. Số lượng chi hội, tổ hội được thành lập sau khi thực hiện đề án vượt rất cao so với mục tiêu đề án đề ra. Trong quá trình tổ chức thực hiện đã lồng ghép với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động kinh tế - xã hội của Hội, gắn kết với các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo tiền đề cho việc xây dựng và thành lập các mô hình nông dân liên kết xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn.

Tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã gợi ý 6 điểm để các đại biểu chia tổ thảo luận, nội dung xoay quanh việc làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội, tổ hội nghề nghiệp 1 cách thiết thực và hiệu quả, các cơ chế chính sách, hỗ trợ hội viên nông dân khi tham gia vào chi hội, tổ hội nghề nghiệp; việc hỗ trợ tiêu thụ chế biến nông sản, và xây dựng chuỗi liên kết...các chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể, các giải pháp, nhóm giải pháp cần bổ sung...

Tại các trung tâm thảo luận đã có hơn 20 ý kiến tham gia, phân tích và góp ý nhằm làm rõ hơn những nhiệm vụ giải pháp và phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Các đại biểu cũng đã đi đến thống nhất và khẳng định Đề án xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp được triển khai đã đã tạo sự gắn kết của các hộ nông dân trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, theo kiểu truyền thống, kém hiệu quả. Nâng cao chất lượng trình độ và năng lực hoạt động của cán bộ chi, tổ hội; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội. Đảm bảo nội dung sinh hoạt trên cơ sở nhu cầu thực chất, cần thiết của hội viên trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng hoạt động không hiệu quả của tổ hội, chi hội. Đây là mô hình đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội ở cơ sở nhằm hướng tới khẳng định chi, tổ hội thực chất là hạt nhân chính trị - xã hội, là đơn vị hành động của Hội; khắc phục tình trạng hành chính hóa trong hoạt động của tổ chức Hội. Nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề phù hợp, đúng đối tượng.Khẳng định được vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời,  hướng đến nền sản xuất hàng hóa phù hợp, an toàn, thực hiện tốt quy hoạch sản xuất nông nghiệp; tham gia tích cực vào Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), tái cơ cấu nông nghiệp, giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống góp phần khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân… Sự trao đổi và giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và chế biến nông sản sát sao hơn, chặt chẽ hơn. Phối hợp tốt, hiệu quả với các tổ chức tín dụng trong chuyển tải nguồn vốn và các doanh nghiệp trong cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Góp phần hình thành các mô hình kinh tế tập thể, là tiền đề quan trọng để các cấp Hội tổ chức tư vấn, hướng dẫn thành lập các THT, HTX. Là tiền đề để lập các tổ hợp tác, hợp tác xã thực chất, hiệu quả, tạo tâm lý an tâm, tin tưởng, tính hiệu quả và thực chất trong hoạt động của hợp tác xã kiểu mới.

Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Thào Xuân Sùng – UVBCH Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương HNDVN đã nhấn mạnh: Trong thời gian tới tình hình kinh tế, xã hội nước ta dự báo sẽ phát triển nhanh và có hướng đi bền vững, Việc tập trung tích tụ ruộng đất dự báo được triển khai mạnh mẽ; Cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp trở thành xu hướng mới. Hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn nên đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời khẳng định tiếp tục đẩy mạnh và phát triển mạnh mẽ mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp trong toàn hệ thống Hội, trọng tâm là mô hình tổ hội nghề nghiệp theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác nông vận, vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại theo tinh thần nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam đã đề ra. Tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm thực hiện Đề án 461 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, trong đó trọng tâm là thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Hoàng Hằng

Lượt xem: 125

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân