Bạn đang ở đây

Hội cần quan tâm đào tạo nội dung “mềm” cho nông dân

(12.12.2018)

(Website HNDHY) - Chiều ngày (11/12), các đại biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII chia tổ thảo luận tại Hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Hội  làm “cầu nối” kết nối doanh nghiệp với nông dân

Phát biểu tại tổ thảo luận, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN cho rằng, Hội cần quan tâm đào tạo nội dung “mềm” cho nông dân.

Vấn đề đào tạo nghề cho hội viên, ND, cán bộ Hội, là một đột phá trong tư duy của tổ chức Hội NDVN. Nông dân muốn phát huy vai trò chủ thể thì cần có kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp nên cần đươc đào tạo bài bản. Đối với cán bộ Hội để tuyên truyền vận động hội viên nông dân hiệu quả cũng cần được qua đào tạo; từ đó có thể tư vấn, định hướng, tập hợp, hỗ trợ hội viên nông dân một cách “chuyên nghiệp”.

Bên cạnh đó, Hội cần xác định rõ các mô hình kinh tế theo tính chất vùng, miền để từ đó có hướng đào tạo, kêu gọi nguồn lực hỗ trợ, mới có thể nâng cao hiệu quả. Do vấn đề đào tạo nghề lâu nay mới chỉ quan tâm tới việc sản xuất chứ chưa quan tâm tới các nội dung “mềm” như thị trường, vốn, kênh tiêu thụ sản phẩm…

Lấy ví dụ về sự phát triển và nền nông nghiệp hiện đại của Hà Lan, Giáo sư – Tiến sỹ Bùi Chí Bửu viện trưởng viện Khoa học nông nghiệp miền Nam cho rằng, trong báo cáo Chính trị tại Đại hội VII, ngoài xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, các cấp Hội NDVN phải xác định các khâu đột phá.

Ví dụ, những hạn chế hiện nay trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn chúng ta đã biết nhưng vì sao hạn chế? Các chính sách ban hành hiện nay đã giải quyết được mức độ nào? Vai trò của Hội ND ở đây là khâu nào? Hội phải phối hợp với Chính phủ và chính quyền các cấp giải quyết, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc về thể chế.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân cần phải mang tính pháp lý. Cụ thể là Hội phải đứng ra làm “trọng tài” để giải quyết vấn đề tiêu dùng, hợp tác và kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp… Đây cũng chính là mục tiêu xây dựng và nâng cao chất lượng hội viên, ND; tư tưởng trí thức hóa nông dân nghĩa là hội viên ND nhận được mình sẽ có lợi ích gì trong chuỗi kết nối nông sản.

Hội cần hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu

Đại biểu Trần Đình Mao, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Hội cần phối hợp để hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản gắn với OCOP, đồng thời có đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn về vai trò, hiệu quả kinh tế tập thể; hợp tác liên kết là xu thế tất yếu hiện nay.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục phó Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp – Bộ Lao Động - Thương binh và xã hội khẳng định, xây dựng nhãn hiệu tập thể sẽ có tính bao quát hơn việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Ví dụ nhãn hiệu tập thể “Mây tre đan xã Phú Nghĩa” ở huyện Chương Mỹ do Hội ND TP.Hà Nội xây dựng hiện đang đại diện cho hơn 800 hội viên, nông dân.

Như vậy, T.Ư Hội cần hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm “theo mô hình OCCOP”.  Qua đó, mới khẳng định và làm rõ nét vai trò của Hội ND.

Đồng ý kiến trên, đại biểu Lưu Văn Quảng, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cho rằng, Hội cần đặt hàng với Bộ KHCN làm sao để tìm ra giải pháp hỗ trợ nông dân chế biến, bảo quản nông sản vì đây là khâu yếu nhất của Việt Nam. Đồng thời, TƯ Hội cần tiếp tục phối hợp với các ngành quảng bá nông sản cho nông dân; tham mưu với Chính phủ đầu tư mạnh vào nông nghiệp.

Cần điều chỉnh một số chỉ tiêu thi đua cho phù hợp

Phát biểu tại các tổ thảo luận, một số đại biểu đề nghị cần xem xét lại một chỉ tiêu thi đua cho phù hợp với tình hình thực tiễn như: Việc mua Báo Nông thôn ngày nay; quỹ Hội; trình độ Chủ tịch Hội Nông dân xã; hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKDG...

Một số đại biểu kiến nghị, Kết luận 61, Quyết định 673 sắp hết thời hạn thực hiện. Trung ương Hội cần có định hướng và đề nghị Trung ương, Chính phủ ban hành văn bản mới cho phép tiếp tục thực hiện.

Ngày mai, 12/12, Đại hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai.

Theo hoinongdan.org.vn

Lượt xem:

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân