Bạn đang ở đây

Hưng Yên bàn biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

(11.08.2017)

(Website HNDHY) - Ngày 9.8, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh Hưng Yên (Ban chỉ đạo) tổ chức họp bàn biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. 

Theo tổng hợp của Sở Y tế, 7 tháng qua, toàn tỉnh ghi nhận 99 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 46 ca điều trị tại Hưng Yên, 53 ca mắc và điều trị tại Hà Nội. 

Qua điều tra dịch tễ, không có ổ dịch nào xuất hiện ở Hưng Yên, số ca mắc sốt xuất huyết lâm sàng rải rác ở các huyện, thành phố, 2 huyện có số bệnh nhân nhiều là Kim Động 24 ca, Khoái Châu 14 ca... 

Đến nay, 100% số địa phương trên địa bàn tỉnh được giám sát dịch tễ; hoạt động tập huấn, tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết đã được tổ chức; ngành Y tế đã triển khai các giải pháp.

Củng cố mạng lưới giám sát dịch các cấp; kiện toàn đội cơ động phòng, chống sốt xuất huyết các đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế để tổ chức thu dung và cấp cứu bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất lây lan sốt xuất huyết...

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: Hưng Yên có vị trí địa lý liền kề các tỉnh, thành phố có dịch sốt xuất huyết như Hà Nội, Hà Nam; hầu hết bệnh nhân trong tỉnh mắc sốt xuất huyết đều từ những vùng có dịch về. Vì vậy các địa phương nhanh chóng thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch và có giải pháp kiểm soát dịch bệnh.  

Với mục tiêu không để xảy ra dịch lớn và không để bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tham mưu với tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; xây dựng phương án tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết; có trách nhiệm cung cấp tài liệu, thông tin chính thống, đặc biệt là cách nhận biết, phương pháp phòng, chống, điều trị bệnh, hạn chế lây lan dịch bệnh để các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền kịp thời. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh nắm chắc địa bàn được phân công phụ trách để có nguồn thông tin, báo cáo Ban chỉ đạo và tham mưu với tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời khi các tình huống xấu xảy ra. Các địa phương, đặc biệt là những nơi đã có người mắc bệnh và nơi có tỷ lệ muỗi vằn cao cần lưu ý tuyên truyền cách phòng dịch trong hệ thống các trường học, khu dân cư; phát động chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy) nhằm hạn chế nguồn phát sinh giống muỗi vằn truyền bệnh... 

 

Theo baohungyen.vn

Lượt xem:

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân