Bạn đang ở đây

Hưng Yên: Chuyển giao "chìa khóa" làm giàu cho nông dân

(30.11.2015)

(Website HNDHY) - Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, trong đó, xác định công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định tới việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá thành của sản phẩm nông nghiệp. 

Ngoài chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ, năm 2015, Hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức  được 732 lớp chuyển giao KHKT cho gần 74.770 hội viên nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân, cây ăn quả, cây rau màu; kỹ thuật sử dụng các chế phẩm trong sản xuất nông nghiệp; kỹ thuật chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.... Công tác chuyển giao KHKT từng bước đổi mới cả về nội dung và hình thức. Nếu như những năm trước các lớp chuyển giao tổ chức tại tỉnh, huyện thì nay lớp chuyển giao được tổ chức tại xã, thậm chí về tận thôn. Đội ngũ cán bộ hội tâm huyết,  thường xuyên xuống cơ sở, ra cánh đồng hướng dẫn hội viên cách làm, kiểm tra định kỳ các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi.

Chuyển giao KHKT là “chìa khoá” để tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nông dân nhiều địa phương dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm và đã thành công, mô hình được nhân rộng như: Chăn nuôi lợn hướng nạc an toàn sinh học, áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho lợn tại các xã Lạc Đạo, Minh Hải (Văn Lâm); trồng nhãn chín muộn HYM1.1 tại xã Hàm Tử, chăn nuôi gà Đông Tảo tại xã Đông Tảo (Khoái Châu); trồng hoa công nghệ cao tại xã Xuân Quan, nuôi lợn sạch ở Mễ Sở (Văn Giang); chăn nuôi gà lai Đông Tảo sinh sản và ấp trứng tại xã Yên Hòa, chăn nuôi lợn thịt sạch tại thị trấn Yên Mỹ, trồng cam ở xã Hoàn Long  (Yên Mỹ); trồng cây vụ đông ở xã Phan Sào Nam, sản xuất lúa giống ở xã Đình Cao (Phù Cừ)...  

Năm 2015, Hội Nông dân huyện Ân Thi được đánh giá là một trong những đơn vị tổ chức tốt hoạt động chuyển giao KHKT. Để hỗ trợ hội viên có kiến thức KHKT ứng dụng vào sản xuất tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, hàng năm Hội Nông dân huyện đã ký kết chương trình phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm BVTV huyện, Sở Khoa học và Công nghệ mở các lớp chuyển giao KHKT về  sản xuất nông nghiệp. Hội Nông dân các cấp trong huyện chủ động phối hợp tổ chức được 115 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về gieo mạ, chăm sóc lúa, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản... cho  trên 14 nghìn lượt người tham dự; xây dựng các mô hình trình diễn, các cánh đồng cho thu nhập cao như mô hình nuôi lợn thịt siêu nạc ở xã Bắc Sơn, nuôi lợn nái ở xã Hồ Tùng Mậu.  

Hiện nay, ở thôn Vân Nghệ, xã Mai Động (Kim Động) có 10 hộ nông dân trồng cây măng tây với tổng diện tích 1ha, trồng 16,5 nghìn cây măng tây xanh và măng tây tím. Đây là loại cây mới đưa vào canh tác trên vùng đất bãi hứa hẹn mở một hướng đi mới cho nông dân vùng bãi nơi đây. Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện nay, cây măng tây đang sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ được tham quan mô hình ở các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc  nên các hội viên nắm vững những kiến thức cơ bản, việc triển khai trồng cây măng tây rất thuận tiện. Đây là dự án do Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện trong năm 2015…

Phát huy những kết quả đạt được,  thời gian tới, Hội nông dân tỉnh tăng cường chuyển giao KHKT cho nông dân, chỉ đạo các cấp hội tích cực phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT,  xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, mô hình trình diễn, xây dựng cánh đồng thu nhập cao... gắn phát triển kinh tế với bảo đảm vệ sinh ATTP, bảo vệ môi trường, nâng cao về chất lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sức cạnh tranh trên thị trường nông sản thế giới. 

 

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 10

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân