Bạn đang ở đây

Hưng Yên: Ổn định sản xuất và đời sống sau bão

(02.08.2016)

(Website HNDHY) - Cơn bão số 1 vừa qua đã làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay các cấp, ngành, địa phương và nhân dân đang tập trung khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất. 

Thành phố Hưng Yên là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do mưa bão gây ra. 

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hưng Yên, ngoài hàng trăm ngôi nhà và công trình bị bay tốc mái, hàng nghìn cây xanh bị đổ, gãy, bão số 1 đã làm gần 553ha nhãn, 82ha cây có múi, 180ha chuối, 64ha táo; 170ha ngô và 250 ha hoa màu khác bị thiệt nặng, trong đó nhiều diện tích thiệt hại hoàn toàn, không thể hồi phục. 

Tại vùng trồng nhãn thuộc các xã: Hồng Nam, Quảng Châu, Tân Hưng… sau bão nhãn rụng la liệt, nhiều cây bị gió quật bật gốc, gãy cành, ước tính sản lượng giảm trên 50%.

Bà Đào Thị Hướng ở xã Hồng Nam xót xa: “Gia đình tôi trồng 6 mẫu nhãn, sản lượng dự kiến năm nay thu được 45 tấn quả. Bão số 1 có gió to quật mạnh làm rụng, nứt khoảng 15 tấn quả, ngoài ra còn có 6 cây bị bật gốc, nhiều cành bị gãy gập, ước tính thiệt hại 300 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi đang tập trung thu dọn, vệ sinh vườn, tập trung chăm bón, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo vệ nhằm hạn chế rụng, nứt những quả còn lại. Tôi và những hộ trồng nhãn ở đây mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ thiệt hại do bão để ổn định sản xuất”. 

Khắc phục hậu quả sau bão, thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi và thoát nước thành phố Hưng Yên huy động các trạm bơm: Cửa Gàn, An Vũ và Bảo Khê bơm 24/24 giờ để tiêu úng; Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên huy động nhân lực, phương tiện thu dọn rác, dựng, trồng lại cây xanh bị đổ trên các tuyến đường, phố trong đô thị; cán bộ nông nghiệp đang hướng dẫn nông dân dân vệ sinh đồng ruộng, tận thu rau màu, cây ăn quả, đồng thời trồng lại những diện tích rau màu đã bị thiệt hại.

Tại vùng trồng chuối thuộc các xã: Tứ Dân, Tân Châu, Đại Tập (Khoái Châu), Hùng An, Đức Hợp (Kim Động)… sau bão, chuối đổ gãy la liệt. Ông Ngô Văn Đám ở xã Tứ Dân (Khoái Châu) trồng gần 6 nghìn gốc chuối tiêu hồng, trên diện tích 6 mẫu, dự kiến cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán tới nhưng cơn bão đi qua đã phá tan hoang. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đám cho biết: “Kiểm tra ruộng sáng ngày 28.7 tôi sững sờ khi cả vườn chuối sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán tới đã đổ gãy gập gần như hoàn toàn, ước tính gia đình tôi bị thiệt hại gần 200 triệu đồng (giống, phân bón, tiền thuê đất đã đầu tư). Cả khu vực trồng chuối ở đây đều tan hoang thế cả. Hiện nay tôi đang thu dọn vườn, tới đây sẽ gieo trồng rau màu ngắn ngày, đầu năm sau tiếp tục trồng chuối”.

Bão số 1 có gió to, kèm theo mưa lớn đã làm nhiều diện tích lúa, rau màu bị ngập úng. Với phương châm không để đất hoang hóa, nông dân vùng trồng rau trong tỉnh đang tập trung tận thu rau màu, chăm sóc diện tích còn lại và gieo trồng thay thế những diện tích bị thiệt hại. 

Mặc dù Hưng Yên đã chủ động trong công tác phòng, chống bão số 1 nhưng với sức gió giật mạnh, mưa lớn đã ảnh hưởng nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, gây thiệt hại lớn cho nhân dân trong tỉnh. 

Để khắc phục hậu quả sau bão, ngành Điện đã huy động lực lượng khắc phục sự cố, bảo đảm nguồn điện cho các trạm bơm hoạt động. Khi có điện, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn đã huy động tối đa các trạm bơm bơm tiêu, kết hợp cùng máy bơm của các hộ gia đình tham gia bơm nước chống úng… Đến nay, diện tích cây trồng bị úng ngập cơ bản được khắc phục. Nông dân đang tập trung vệ sinh đồng ruộng, gieo trồng lại những diện tích cây trồng bị bão tàn phá. Các địa phương đang chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra thực địa, thống kê cụ thể tình hình thiệt hại để đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ thiệt hại…

Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để khắc phục nhanh hậu quả do bão số 1 gây ra và chủ động ứng phó với thiên tai trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần huy động tối đa các trạm bơm hoạt động 24/24 giờ để bơm tiêu thoát nước; khoanh vùng ưu tiên bơm nhanh đối với những diện tích lúa bị ngập úng nặng, không để úng ngập kéo dài gây chết lúa; gạn tháo ngay không để nước đọng vũng quanh gốc, trong ruộng, vườn của cây rau màu và cây ăn quả. 

Đối với cây lúa, sau khi nước rút, vớt sạch rong, rêu bám trên lá (rửa lá nếu có thể), khi cây lúa phục hồi cần bón bổ sung phân bón NPK tổng hợp kết hợp phun các loại phân bón qua lá có hàm lượng lân cao giúp lúa nhanh phục hồi, sinh trưởng; dặm tỉa những khóm lúa bị chết do úng, sâu, bệnh hại cắn phá bảo đảm mật độ. 

Đối với cây chuối, dọn dẹp tàn dư thân, lá cây đổ, vệ sinh đồng ruộng; dựng, chống lại những cây bị đổ nghiêng để cây nhanh hồi phục. Khi cây hồi phục tiến hành chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Những ruộng bị gãy, đổ hoàn toàn, lựa chọn để lại những cây chồi non khỏe, bảo đảm độ tuổi thu hoạch ở năm sau và tiến hành chăm sóc theo quy trình hoặc thay thế bằng cây trồng khác. 

Đối với cây nhãn, cây có múi và cây ăn quả khác, dọn vệ sinh toàn bộ ruộng vườn. Những cây bị đổ nghiêng cần bổ sung thêm đất, chống, buộc lại và thu hoạch bớt số quả/cây để giảm áp lực dinh dưỡng, bảo đảm chất lượng quả còn lại; chú ý biện pháp hạn chế nứt, rụng quả sau mưa, bão. Sau khi cây hồi phục mới được tiến hành các biện pháp chăm sóc bình thường. Đối với cây rau màu; dọn vệ sinh đồng ruộng, xới phá váng, sau khi cây hồi phục, phát triển lá mới tiến hành bón bổ sung phân bón để cây nhanh phục hồi.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi thả thủy sản, cần tháo bớt nước ở ao, hồ, tôn cao hoặc chắn cao bờ không để ngập tràn làm thủy sản thất thoát; củng cố, tu bổ  sửa chữa, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và chú ý phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. 

Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo các phòng, ban liên quan khẩn trương rà soát, thống kê chính xác công trình, tài sản, diện tích, số lượng cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão gây ra theo hướng dẫn của liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn thống kê đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh.

 

Theo baohungyen

Lượt xem: 16

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân