Bạn đang ở đây

Khắc phục tính hình thức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

(19.07.2016)

(Website HNDHY) - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh quan điểm này trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chiều 18/7, tại Hà Nội.

Từ đầu năm đến nay, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm triển khai, tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Theo đó, quy chế dân chủ đã được thực hiện tốt trên các lĩnh vực: cải cách hành chính; tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Tại các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ, công chức, viên chức được tạo điều kiện tham gia ý kiến xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, bổ sung, chỉnh sửa quy chế, quy định trong hoạt động cơ quan, phát huy dân chủ...

Các DN đã thực hiện 5.308 cuộc đối thoại tại nơi làm việc (định kỳ 3 tháng/lần) và 900 cuộc đối thoại đột xuất… với tinh thần công khai cho người lao động biết, tham gia ý kiến và giám sát các kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, tiền lương, tiền thưởng…

Một số tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng, hoạt động của hợp tác xã, quản lý chợ…

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ các mặt khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Điển hình hiện có tới 46,07% DN ngoài nhà nước và 66,44% DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa tổ chức hội nghị người lao động; chậm sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế DN phù hợp với những thay đổi của pháp luật; tổ chức hội nghị người lao động còn hình thức.

Một số cơ quan địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng đến công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở; chưa thực hiện đúng chế độ thông tin, báo cáo, định kỳ; chất lượng báo cáo thấp, nội dung sơ sài.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị trong thời gian tới đạo cần xác định những nhiệm vụ, công việc cụ thể tập trung thực hiện để tạo chuyển biến căn bản; công tác kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ cơ sở có trọng điểm; kiện toàn các ban chỉ đạo, tăng cường tập huấn, hướng dẫn cụ thể cán bộ cơ sở…

Đồng tình với những nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo đề ra trong 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cần phải xem xét đặt trong bối cảnh bên cạnh xu thế hợp tác phát triển, là chủ đạo thì tình hình thế giới vần còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. 

Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp vừa qua cho thấy những ưu điểm và hạn chế liên quan tới thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phó Thủ tướng cho rằng minh bạch và trách nhiệm là hai yếu tố rất quan trọng để thực hiện quy chế dân chủ nói chung, trong đó có cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

“Nơi nào minh bạch thì nơi đó có dân chủ, nơi nào chỉ minh bạch hình thức thì nơi đó có vấn đề”, Phó Thủ tướng trao đổi và nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện thiết thực, hiệu quả quy chế dân chủ.

Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh quy chế dân chủ phải được tiến hành thực sự, không được hình thức, mang lại đời sống tốt hơn, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Đây là trách nhiệm trước hết của các cấp ủy, chính quyền địa phương; người đứng đầu; cơ quan đại diện cho quyền lực nhân dân là Quốc hội, HĐND các cấp; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội với thành viên của mình và cuối cùng là trách nhiệm của chính người dân.

Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng cần quán triệt tinh thần các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Người dân phải được thông tin, bàn bạc, tham gia góp ý kiến về chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích của mình. Các tổ chức chính trị-xã hội, các hình thức tổ chức tự quản của nhân dân ở cơ sở có vai trò quan trọng trong giám sát, phản biện; tự bàn bạc và thực hiện trong khuôn khổ pháp luật những công việc mang tính xã hội hoá như việc xây dựng hương ước, quy ước làng văn hoá, xây dựng tổ hoà giải, tổ an ninh... Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân; báo cáo định kỳ về công tác trước người dân.

Đặc biệt, công khai minh bạch là yêu cầu rất quan trọng để người dân tham gia thực hiện dân chủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đạt kết quả tốt.

“Vai trò của chính quyền, cơ quan Nhà nước rất quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ. Đây là nơi đề xuất ban hành cũng như thực thi chính sách, nếu khu vực này làm không tốt sẽ có vấn đề. Chúng ta cần khắc phục tính hình thức trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương lưu ý.

* Cũng tại hội nghị, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về Quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ các thành viên; Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo.

 

Theo Chính Phủ

Lượt xem: 14

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân