Bạn đang ở đây

Khi hội viên nông dân làm doanh nghiệp

(24.05.2016)

(Website HNDHY) - Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với chị Đào Thị Bích Thỏa – xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang đó là thái độ chân tình, cởi mở, gần gũi. Hơn 40 tuổi, song đôi mắt của người phụ nữ này vẫn toát nên sáng rực của sự năng động và nhạy bén.

Xoay sở tìm hướng đi

Sau khi lập gia đình 2 vợ chồng chị bắt đầu một cuộc sống mới với rất nhiều khó khăn, khi tài sản chỉ có vài sào ruộng. Vợ chồng anh chị phát triển mô hình V.A.C, dù rất cần cù, chịu khó, nuôi thêm lợn, gà song vẫn không đủ trang trải trong cuộc sống. Chị lại quyết định đi học lớp Trung cấp nấu ăn, sẵn có nghề trong tay anh chị chuyển hướng sang dịch vụ nấu cỗ thuê và phục vụ bếp ăn công nghiệp của các công ty, tập đoàn lớn ở khu công nghiệp lân cận.

 “Sau nhiều năm làm tôi đã tích lũy kinh nghiệm và khá khá kiến thức thị trường. Cũng từ những lần mua nguyên liệu nấu ăn, chứng kiến cảnh người dân vất vả bán mặt cho đất bán lưng cho trời xong lại vướng phải “điệp khúc buồn”: Được mùa, mất giá, tôi  đã nảy ra ý định thu mua và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình để giúp nông dân đỡ vất vả, giúp nông dân tạo dựng thương hiệu, bảo đảm hài hòa lợi ích đôi bên...” Chị Thỏa chia sẻ.

Việc kinh doanh của vợ chồng cũng may mắn, lượng hàng mua bán ngày một lớn, đòi hỏi phải có nơi để trữ hàng, mở rộng diện tích, thuê thêm nhân công và phải thành lập doanh nghiệp để có tư cách pháp nhân. Năm 2009 chị đã thành lập doanh nghiệp tư nhân lấy tên: “Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ ăn uống Hưng Thịnh”, là loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ với 20 công nhân. Doanh nghiệp được thành lập dưới hình thức cung cấp lương thực thực phẩm vào bêp ăn của các công ty, tập đoàn lớn. 

Người góp phần bao tiêu nông sản cho nông dân

Sau khi thành lập cơ sở thu mua nông sản chị đã mạnh dạn đứng ra ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân với tất cả các sản phẩm từ nông nghiệp như rau củ, quả...và các loại thịt cá, trứng...Thời gian đầu, chỉ thu mua của các hộ dân trong xã nhưng đến nay,  đã mở rộng nguồn cung ứng sản phẩm đến một số xã của huyện bạn, tỉnh bạn.

Để chủ động nguồn hàng, trước mỗi mùa vụ sản xuất, gia đình đều lên kế hoạch nhập các loại rau màu phù hợp, thông báo cho hội viên nông dân chủ động sản xuất. Đến kỳ thu hoạch, tùy theo biến động của thị trường mà cơ sở thu mua theo giá Công ty hoặc giá chợ để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho nông dân. Giá cả thu mua minh bạch, sòng phẳng, cơ sở của chị đã tạo dựng niềm tin với hội viên nông dân. Đây cũng là yếu tố quan trọng để công ty của chị  đứng vững trên thị trường. Bình quân 1 tháng chị tiêu thụ 3 tấn gạo, trên 4 tấn rau, và trên 2 tấn thịt các loại. Doanh thu trong 1 tháng lên tới 1,7 tỷ đồng. Hiện tại doanh nghiệp đang tạo việc làm cho 16 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ tại địa phương với mức lương 5 – 7 triệu đồng / tháng có hỗ trợ cơm trưa.

Trên cánh đồng xã Vĩnh Khúc – huyện Văn Giang chị Lê Thị Vinh vui mừng  chia sẻ: “Vụ rau này, gia đình tôi trồng quy mô khá lớn, với đủ thức: bí xanh, mướp đắng, bầu, dưa chuột, dưa hấu… Được doanh nghiệp thu mua sản phẩm ngay tại chân ruộng với giá cả hợp lý, chúng tôi rất vui mừng. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập”.

Ông Lê Văn Mạnh –  Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Khúc cho biết : “Ngoài mở rộng vùng liên kết rau - củ - quả trên địa bàn xã, để thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người nông dân, công ty của Chị Thỏa còn tiến hành bao tiêu sản phẩm cho các xã lân cận. Trong thời gian tới, Công ty cũng sẽ tập trung đầu tư vào kỹ thuật sơ chế sản phẩm rau - củ - quả và hệ thống kho lạnh, để xử lý tốt nguồn thực phẩm đã bao tiêu, cung cấp ra thị trường”.

Ngoài việc phát triển sản xuất kinh doanh,  tạo việc làm ổn định cho lao động,chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Bản thân chị là đại biểu Hội đồng nhân dân xã, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân huyện Văn Giang. Chị  luôn tích cực chung tay đóng góp vào các hoạt động xã hội, các hoạt động, nhân đạo, từ thiện; giúp các hộ nghèo, khó khăn, ủng hộ vào các chương trình “Vì người nghèo, thể dục thể thao” của xã, huyện và các hoạt động khác khi địa phương kêu gọi...

Hoàng Hằng

 

Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên

Lượt xem: 13

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân