Bạn đang ở đây

Làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao

(28.11.2017)

(Website HNDHY) - Những năm gần đây thời tiết có nhiều biến đổi bất thường, diễn biến phức tạp đã gây khó khăn cho người sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt. Vì vậy, để hạn chế những rủi ro bởi những tác động bất thường của thời tiết, sâu bệnh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất rau màu theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà lưới, nhà kính. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Bùi Văn Phương ở xã Tống Trân, huyện Phù Cừ là một điển hình. 

Sau nhiều năm lao động ở nước ngoài, anh trở về quê hương và quyết định  đầu tư vào nông nghiệp. Lúc đầu anh thuê thầu hơn 1 mẫu ruộng ở ngoài bãi sông Luộc để trồng ngô, sau đó trồng chuối nhưng gặp thời tiết bất lợi nên bị thua lỗ. Anh chia sẻ: Sau nhiều ngày trăn trở tôi nghĩ ngày nay, làm nông nghiệp không thể chỉ với con trâu, cái cày mà phải làm nông nghiệp công nghệ cao thì mới thành công. Và tôi đã chọn cây dưa lưới để đầu tư thêm một lần nữa. Năm 2016, được huyện Phù Cừ hỗ trợ một phần kinh phí, tôi đầu tư xây dựng 400m2 nhà kính trồng dưa lưới. Tuy vụ đầu còn thiếu kinh nghiệm, song vẫn thu được trên 1 tấn quả với giá bán bình quân 35 nghìn đồng/kg, lãi trên 20 triệu đồng/sào. Năm nay tôi đầu tư xây dựng thêm 1.600 m2, hiện nay đang trồng dưa lưới và dưa kim hoàng hậu bằng phương pháp tưới nhỏ giọt. Được trồng trong nhà lưới nên cây ít bị sâu bệnh hại, chỉ dùng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để xử lý nên chi phí đầu vào thấp; nếu làm chủ được kỹ thuật, 1 năm trồng 2 vụ, 1 sào dưa lưới thu được 3 tấn quả/năm cho thu lãi 50 triệu đồng trở lên, tương ứng với hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. 

Mỗi cây dưa được trồng trong một bầu giá thể tơi xốp, nhiều dinh dưỡng. Các bầu cây được đặt cách nhau một khoảng nhất định trên mặt luống. Như vậy, có thể gia tăng mật độ cây so với cách trồng ngoài đất, đặc biệt, giúp cho bộ rễ cây nhanh phát triển, hút dinh dưỡng tốt hơn. Khi cây dưa có tua cuốn, mỗi cây sẽ được treo lên từng sợi dây nối với hệ thống khung giàn cố định để lá phân bố đều, không bị trầy xước hay dập nát.

Theo anh Phương, chi phí cho 1m2 nhà lưới có hệ thống bơm tưới tự động khoảng 300 – 500 nghìn đồng, tương ứng 100 – 200 triệu đồng/sào, nếu làm đơn giản, bơm tưới nước trực tiếp chi phí sẽ thấp hơn. Cách tưới này cũng giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây; hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, môi trường như mưa, gió, nắng to, côn trùng, cỏ dại và có thể điều chỉnh được nhiệt độ, ánh sáng phù hợp với cây dưa, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần trở lên so với sản xuất ngoài trời. Đặc biệt, trong mùa khô hệ thống tưới nhỏ giọt có thể giúp hạn chế được dịch hại vì lá cây không bị ướt. Cỏ dại vì vậy cũng bị hạn chế rõ rệt.

Đây là một cái mô hình canh tác rất mới, có ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhưng mà cách sử dụng rất đơn giản, nhưng điều quan trọng là cần hạn chế số quả trên cây. Mỗi cây duy trì từ 1-2 quả dưa. Bởi việc hạn chế số lượng quả như vậy sẽ giúp cây có đủ dinh dưỡng để nuôi quả. Từ đó trọng lượng quả và chất lượng có thể đạt mức tối đa – Anh Phương cho biết thêm.

Ông Nguyễn Xuân Vượng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Cừ chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch bệnh và an toàn thực phẩm đang là hướng phát triển mới, bền vững tại địa phương. Đây là một trong những giải pháp tốt để đối phó với tác động bất thường của ngoại cảnh cần được khuyến khích nhân rộng. Là tiền đề để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn thực phẩm theo định hướng của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người hội viên nông dân. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tuyên truyền nhân rộng mô hình cho đông đảo nông dân trong huyện tới tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

 

Hoàng Hằng

Lượt xem: 55

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân