Bạn đang ở đây

Làm tranh từ vỏ trấu

(29.07.2015)

(Website HNDHY) - Tận dụng vỏ trấu dư thừa sau khi người dân xay lúa để lại, nghệ nhân Võ Văn Tạng đã biến phế thải này thành tác phẩm tranh vỏ trấu.

Những tác phẩm này rất đa dạng về mẫu mã, hứa hẹn cung ứng ra thị trường một sản phẩm mới độc đáo.

Cơ sở SX tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang được nhiều người biết đến bởi ông là người đầu tiên dùng lá thốt nốt làm chất liệu cho tranh có một không hai này.
Nếu lúc trước tranh của ông được vẽ trên nền lá thốt nốt với 3 gam màu chủ đạo là đen, nâu và vàng… thì nay người dân An Giang lại bất ngờ với sản phẩm độc đáo của tranh được làm từ vỏ trấu.

Từ cuối năm 2014 đến nay, ông Tạng đã mày mò nghiên cứu làm ra loại tranh vỏ trấu tương tự như tranh lá thốt nốt. Về chất lượng và giá cả hai loại tranh này như nhau.

Tuy nhiên, tranh vỏ trấu thì không cần tốn chi phí nguyên liệu mà chỉ cần tận dụng vỏ trấu của người dân.

Để tạo nên bức tranh bằng vỏ trấu cần trải qua các bước: nghiền nhuyễn vỏ trấu, rắc vỏ trấu lên bề mặt giấy đã được phủ keo, sau đó dùng máy ép cho thẳng mặt giấy và cuối cùng là vẽ tranh trên giấy (công đoạn này giống như vẽ tranh lá thốt nốt).

“Nếu lúc nào đó thị trường cần mẫu mã khác mà mình không đáp ứng được thì xem như thất bại. Tôi nghĩ làm tranh vỏ trấu này vừa là thách thức nhưng cũng vừa đáp ứng thị trường.

Nếu loại này được ưa chuộng thì tôi nghĩ ai cũng làm được nhưng để đạt mức độ thẩm mỹ thì còn do cái tâm của người nghệ sĩ”, ông Tạng nói.

Ông Tạng cho rằng, An Giang là vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long nên nguyên liệu từ vỏ trấu không bao giờ cạn. Tranh làm bằng vỏ trấu có thể được sơn, vẽ các màu sắc khác nếu khách hàng muốn.

Trong khi đó, tranh lá thốt nốt rất hạn chế về màu sắc và khó tô thêm màu khác được. Đó là chưa kể đến việc không phải lá thốt nốt nào cũng làm được tranh; nguyên liệu mua khó khăn...

“Bình quân mỗi bức tranh lá thốt nốt hiện nay phải tốn tiền nguyên liệu gần 60.000đ, còn vỏ trấu lại không tốn tiền, nếu có chỉ vài ngàn đồng thôi”, ông Tạng khẳng định.

Hiện nay, cơ sở tranh từ lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng có hơn hai mươi lao động theo học nghề.

Sau khi đào tạo, các em được giữ lại làm việc tại cơ sở với mức lương 2-4,5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông bán ra trên 150 bức tranh các loại.

Anh Nguyễn Văn Láng ở thị trấn Núi Sập làm tranh lá thốt nốt ở cơ sở này gần mười năm cho biết: Nếu không có chú Út (ông Tạng) thì giờ tôi không biết mình sẽ làm gì nữa.

Hiện giờ thu nhập của anh Láng khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, xem như ổn định so với thu nhập ở nông thôn.

“Lúc mới học xong lớp 12, gia đình nghèo không có tiền học nghề, nhờ chú Út mà tôi giờ có việc làm ổn định và có trong tay cái nghề, không sợ thất nghiệp nữa”, anh Láng nói.

Ông Tạng cho hay, mới đây ông đã bán ở thị trường TP HCM được 5 bức tranh làm từ vỏ trấu. Đa số khách hàng đều hứng thú với loại tranh này vì khi về sử dụng họ có thể tô thêm màu mà mình thích.

Vừa qua, Sở Công thương An Giang tổ chức họp Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho bà Nguyễn Thị Kim Chi và ông Võ Văn Tạng, do có nhiều sản phẩm tiêu biểu, đóng góp xây dựng và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ địa phương.

 

Theo NNVN

Lượt xem: 14

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân