Bạn đang ở đây

Mỗi ngày được ăn bao nhiêu thịt?

(28.07.2015)

(Website HNDHY) - Mỗi ngày được ăn bao nhiêu thịt? Đó là câu hỏi rất nhiều bà nội trợ đặt ra để chăm sóc dinh dưỡng cho gia đình, sao cho khẩu phần ăn gây ít hệ lụy nhất cho sức khỏe.

150g thịt hay nhiều hơn nữa?

Nhà chị Ngọc Anh (Biên Hòa, Đồng Nai) có 4 người, đều trong độ tuổi lao động nên mỗi ngày chị đi chợ mua hàng cân thịt lợn, hoặc thịt gì đó tương đương.

Riêng thịt gà, vịt phải mua gấp đôi mới đủ bữa. Chia sẻ với các bà nội trợ khác thì họ kêu trời vì nhà chị “ngốn” quá nhiều thịt, sẽ hại cho sức khỏe.

Chị đã thử giảm thịt trong bữa ăn mấy ngày, nhưng cả nhà kêu ăn không đủ bữa. Chị không biết xoay xở cho gia đình ăn gì thay thịt, và mỗi ngày được ăn bao nhiêu thịt là vừa?

Anh Nguyễn Tiến (Hà Giang) cũng than thở, cả nhà anh đều thích ăn thịt bò, trâu, lợn, chó… Trước kia anh biết ăn thịt để có năng lượng chống đỡ với mùa đông giá lạnh. Nhưng giờ nghe nói ăn thịt nhiều không tốt cho cơ thể, mà thịt đỏ cũng dễ sinh nhiều bệnh mà không biết nên khuyên vợ tính toán mỗi ngày được ăn bao nhiêu thịt, ăn thịt như thế nào để tốt cho sức khỏe.

Với người thành thị, trong một hội thảo về tình trạng cholesterol cao ở Việt Nam các nhà khoa học thấy thói quen ăn nhiều thịt, ít rau của họ đang làm gia tăng bệnh tật như thận, gút, béo phì, viêm khớp, sỏi mật, bệnh tim mạch, bệnh gan, tiểu đường… và nhiều hệ lụy khác như tỷ lệ cholesterol tăng nhanh, tăng huyết áp, tăng áp lực lên gan và thận khiến chúng làm việc quá tải, không thải lọc được hết chất thải, làm tăng nguy cơ bị ung thư.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm) cho hay, theo các nhà dinh dưỡng thì thịt trong nhóm thực phẩm cung cấp protein - không nên ăn quá nhiều. Trả lời câu hỏi mỗi ngày được ăn bao nhiêu thịt, ông cho rằng, mỗi ngày không nên ăn quá 150gr thịt, áp dụng cho tất cả các loại thịt.

"Tai họa" từ thịt

Từ 2007 - 2010, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã khảo sát tình trạng cholesterol cao ở người trưởng thành tại Hà Nội, TP.HCM, nông thôn, vùng núi và vùng trung du. Kết quả là sự gia tăng mỡ máu cao, đặc biệt là cholesterol (chất tạo màng tế bào, cân bằng hoóc môn và sản xuất ra vitamin D) liên quan đến chế độ ăn uống.

Ở thành thị tỷ lệ người có lượng cholesterol cao tới 44,3% (các vùng khác tỉ lệ này 29%), dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt là xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não… mà chỉ khi biến chứng, hay xét nghiệm máu mới phát hiện được và rất khó đối phó.

Với thịt đỏ ăn trên 160g thịt đỏ/ngày nguy cơ bị ung thư đường ruột cao hơn 33% so với người ăn dưới 20g thịt đỏ/ngày, làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư, đái tháo đường, cholesterol, thừa cân… do chất sắt, các chất bảo quản thịt là mầm mống gây ung thư trong hệ tiêu hóa.

Cách ăn các loại thịt

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ, nhiều nghiên cứu đã nói về vấn đề mỗi ngày được ăn bao nhiêu thịt? Theo các nhà nghiên cứu dinh dưỡng, một người bình thường không nên ăn quá 300 - 500g thịt đỏ (bò, lợn, bê...) mỗi tuần. Tốt nhất chỉ ăn 2 lần/tuần (khẩu phần 100 - 150g/lần ăn, tùy cân nặng và mức độ béo để tăng giảm phù hợp), và tốt nhất là luộc thịt, hầm thịt.

Thịt lợn chỉ nên ăn 3 lần/tuần. Không ăn thịt lợn với thịt bò, gan dê, đậu tương vì có thể tương khắc.

Thịt gà và các loại thịt trắng bình thường chỉ ăn 3 lần/ tuần, lượng không quá 150gr/ngày. Không ăn thịt gà với kinh giới, tỏi, hành sống, thịt chó, gan chó, mận…

Thịt bò rất giàu calo, đạm, dinh dưỡng. Ăn thịt bò tránh ăn cùng hải sản, thịt lợn, đậu nành, trà… vì chúng kị thịt bò.

Thịt nạc cũng không ăn quá nhiều hàng ngày vì sẽ dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, xơ cứng động mạch... Các nhà khoa học Anh đã chứng minh, ăn nhiều thịt nạc còn nguy hơn thịt mỡ, bởi thịt nạc khi chế biến sẽ sinh ra chất cysteine gây tổn thương gen, ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng

Thịt mỡ có nhiều chất béo, ăn nhiều không có lợi cho sức khỏe, về tim mạch như mỡ trong máu cao, xơ cứng động mạch…

Lưu ý là khi chế biến thịt cần tránh nước xốt quá béo, tránh nướng thịt (bằng than, lò nướng).

Cách giảm bớt thịt lợn trong bữa ăn

Theo lời khuyên của các nhà khoa học và các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày mỗi người không nên ăn quá 150gr thịt (dùng cho các loại thịt). Nhưng nên giảm bớt thịt lợn, thay vào là thịt gia cầm. 

Nên ăn ít thịt nạc. Thay thế thịt bằng các loại đậu hạt, các chế phẩm họ đậu – vốn là nguồn protein, chất béo thực vật quý, chống oxy hóa, ung thư, điều hòa chuyển hóa cholesterol…Đặc biệt hoạt chất trong đậu có thể kìm hãm sự phát triển chất gây ung thư – cysteine.

Khuyến khích ăn thịt gia cầm, cá. Cá giàu axit béo, tốt cho sức khoẻ tim mạch. Ăn 3 bữa cá/tuần để cung cấp axít béo hệ omega-3, bảo vệ tim mạch.

Mỗi ngày cần ăn 400g rau xanh, hoa quả để cơ thể giảm 2 lần nguy cơ bị các bệnh tim mạch, mỡ máu. Ưu tiên tỏi, trà xanh, gừng, cà chua...

 

Theo Báo Gia đình & Xã hội

Lượt xem: 8

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân