Bạn đang ở đây

Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Khoái Châu

(16.08.2016)

(Website HNDHY) - Huyện Khoái Châu nằm ở tả ngạn sông Hồng, được phù sa màu mỡ bồi lắng nên có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả và các loại rau màu có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài tỉnh. 

Nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn, cùng với tập trung lãnh đạo toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, huyện đã sớm xây dựng, triển khai chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả cao, từng bước tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng các cấp, huyện Khoái Châu đã triển khai các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả cao, như: Đầu tư hỗ trợ sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ trồng cây vụ đông; hỗ trợ gieo cấy các giống lúa chủ lực của tỉnh, dự án trồng và thâm canh chuối tiêu hồng… đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện được quan tâm. Khởi đầu cho những giải pháp trên, năm 2011, huyện phối hợp với các kênh truyền thông, Trung tâm Xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và PTNT tham gia hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm nhãn muộn, chuối tiêu hồng, gà Đông Tảo. Từ đó đến nay, việc phối hợp giữa huyện với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương... tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, giới thiệu quảng bá các đặc sản của địa phương đều được duy trì, đã có tác động tích cực đến việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã trở nên nổi tiếng và có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường như: Nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, cam Vinh, gà Đông Tảo… Năm 2015, nhãn của huyện Khoái Châu lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tạo cơ hội mới cho người trồng nhãn.

Bằng những giải pháp cụ thể cùng sự năng động, sáng tạo và nhanh nhạy trong tư duy sản xuất, các địa phương trong huyện đã chuyển đổi một phần diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau màu, nuôi thả thủy sản. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với gieo cấy lúa như: Vùng sản xuất nhãn, diện tích gần 1,6 nghìn ha tại các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều... trong đó có hơn 1 nghìn ha đã cho thu hoạch, sản lượng nhãn quả hàng năm đạt bình quân từ 12 – 15 nghìn tấn, năm nay sản lượng ước đạt 18 – 20 nghìn tấn. Các giống nhãn được trồng chủ yếu là nhãn chín muộn Miền Thiết, nhãn T2, T6, nhãn siêu ngọt… có ưu điểm quả to, cùi dày, mã đẹp, vận chuyển thuận lợi, thời gian thu hoạch kéo dài (từ ngày 15.8 đến hết tháng 9). Năm 2015, huyện đã được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGap, nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ với diện tích gần 25ha. Vùng chuối có diện tích hơn 700ha tại các xã: Tứ Dân, Tân Châu, Đại Tập... sản lượng chuối quả hàng năm khoảng 30 nghìn tấn, cung cấp cho hệ thống siêu thị, thị trường các tỉnh, thành phố và xuất khẩu sang Trung Quốc, thu nhập đạt 200 – 300 triệu đồng/ha/năm. Vùng sản xuất các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như: Bưởi Diễn, bưởi Hoàng Trạch, cam Vinh, quýt Đường Canh, ổi... ở các xã: Dạ Trạch, Tân Dân, Đông Tảo... với diện tích khoảng 500ha. Vùng sản xuất lúa, rau màu, mô hình cánh đồng mẫu tại các xã Đồng Tiến, Thuần Hưng, Thành Công... Vùng sản xuất cây dược liệu khoảng 200ha ở các xã Bình Minh, Tân Dân… Vùng sản xuất nghệ diện tích hơn 161ha tại các xã: Chí Tân, Thuần Hưng, Đại Tập... Vùng sản xuất cỏ ngọt diện tích khoảng 60ha tại các xã An Vĩ, Ông Đình… cho thu nhập 300 – 600 triệu đồng/ha/năm. Với điều kiện của tự nhiên thuận lợi, kết hợp với bản chất cần cù, tư duy nhanh nhạy với thị trường của nông dân, nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp ở huyện Khoái Châu được xếp vào tốp dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất lúa, giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác (năm 2015 đạt 165 triệu đồng/ha). Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình đầu tư không lớn nhưng cho thu nhập cao như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, 1 năm cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha, trồng chanh tứ quý (4 mùa) cho thu nhập 700 - 800 triệu đồng/ha, trồng nghệ vàng thu nhập 500 – 600 triệu đồng/ha… đang được nông dân học tập, ứng dụng để mở rộng sản xuất. 

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi lợn siêu nạc, bò lai sind, bò sữa, nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, nuôi lợn theo quy mô công nghiệp khép kín, nuôi cá theo hướng VietGap, nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, doanh thu 1 năm đạt hàng tỷ đồng trở lên. Trung bình mỗi năm, toàn huyện cung cấp ra thị trường 15 nghìn tấn thịt lợn hơi, 1,5 nghìn tấn sữa bò, 4,5 nghìn tấn thủy sản. Những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao đã khẳng định sự đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 và các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, năm nay, ngoài tuyên truyền, quảng bá về những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên các phương tiện truyền thông, ngày 16.8, huyện phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn và nông sản tiêu biểu của huyện. Hội nghị lần này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, nhà phân phối, thương lái có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu thông tin, kết nối cung cầu, thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp của địa phương; mở rộng thị trường với các trung tâm tiêu thụ lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... và tiến tới xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị quả nhãn và các nông sản khác, tăng thu nhập cho nông dân. Trước đó, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị và đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể đối với gà Đông Tảo và nhãn hiệu chứng nhận “Chuối tiêu hồng Khoái Châu”, tạo thuận lợi hơn trong vấn đề bảo hộ đối với sản phẩm.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện và dịch vụ nông nghiệp. Trước mắt, giữ ổn định diện tích nhãn hiện có, tập trung đầu tư thâm canh để nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch phù hợp với nhãn quả tươi nhằm bảo đảm chất lượng, kéo dài thời gian tiêu thụ, giảm áp lực thu hoạch; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, trong đó ưu tiên phát triển đàn gà Đông Tảo, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kết hợp với việc bảo tồn và phát huy nguồn gen quý. Quy hoạch vùng sản xuất cây trồng có lợi thế và cho hiệu quả cao như nhãn muộn, chuối tiêu hồng… nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, đồng thời xây dựng các vùng chuyên canh lúa đặc sản, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, cam... cung cấp cho thị trường trong nước; nhân rộng các mô hình trồng chanh tứ quý, nghệ vàng, dưa lưới và một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tiến tới xuất khẩu, xây dựng nhãn hiệu cho một số nông sản mới. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu.  

 

Theo baohungyen

Lượt xem: 52

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân