Bạn đang ở đây

Nghề rèn truyền thống đa sĩ

(19.07.2016)

(Website HNDHY) - Đa Sĩ tự hào là một làng nghề có sức sống mạnh mẽ được duy trì từ hàng trăm năm nay: nghề rèn cổ truyền. Theo lời các bậc cao niên trong làng và những tài liệu của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, nghề rèn ở Đa Sĩ có từ thời Hùng Vương thứ 18. 

Khi đó, những người dân trong làng rèn các vũ khí thô sơ như giáo mác, gậy gộc cung cấp cho các lạc hầu, lạc tướng giữ yên bờ cõi và rèn các nông cụ phục vụ cho sản xuất lao động như cuốc, xẻng…Nhưng phải đến thời Trần thì Đa Sĩ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần đến từ Thanh Hóa truyền dạy bí quyết nghề rèn để tạo ra những sản phẩm tinh xảo cho dân làng. Thời kỳ kháng chiến, Đa Sĩ là nơi chuyên sản xuất và cung cấp giáo mác, dao kéo, quân dụng phục vụ chiến đấu.

Đa Sĩ có khoảng 900 hộ dân làm nghề rèn, sản phẩm tập trung vào hai mặt hàng chính là dao, kéo các loại. Để có được những sản phẩm tưởng chừng đơn giản ấy, những người thợ rèn Đa Sĩ đã phải trải qua rất nhiều công đoạn gia công. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm nhưng nguyên liệu làm rèn phổ biến vẫn chỉ là gỗ (để làm cán) và thép (sản phẩm). Theo anh Hoàng Văn Toàn - một thợ rèn trong làng thì trước đây nguyên liệu được người dân tận dụng từ những chiếc nhíp xe bỏ đi, sau này là tôn, thiếc, lẹp (phần uốn quanh cổ dao) phần lớn được nhập từ Nam Định.

Khoảng 10 năm về trước, sản phẩm của làng rèn Đa Sĩ hầu hết được làm thủ công. Theo xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiện nay rất nhiều hộ gia đình ở Đa Sĩ đã đầu tư nhập máy móc nhằm giảm bớt sức người và tăng năng suất làm việc. Giờ đây, máy móc đã thay cho bàn tay con người ở hầu hết các gia đình. Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động đã được máy móc thay thế như rèn bằng búa máy, sạt lưỡi bằng máy... Nhờ vậy, số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Cũng nhờ có máy móc, rất nhiều gia đình ở Đa Sĩ đã mở rộng sản xuất với quy mô lớn như xưởng Hương Tưởng chuyên làm dao chặt, xưởng Chiến Đoán làm dao thái hay xưởng nhà ông Đạo làm dao nhỏ, dao nhọn. Theo ông Hoàng Văn Hưng, một chủ lò rèn chuyên nghiệp trong làng thì mỗi hộ rèn ở Đa Sĩ đều có bí quyết riêng, nhưng điểm chung là thép phải tốt và kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao sắc bén.

Hiện nay, mỗi ngày thợ rèn Đa Sĩ có thể mài hàng trăm con dao chất lượng cao cùng với rất nhiều các sản phẩm khác để bán rộng rãi trên khắp cả nước, và xuất khẩu đi các nước Lào, Campuchia. Sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết, vì thế đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn.

Cùng với tiến bộ về kỹ thuật và lòng yêu nghề, người dân Đa Sĩ đã gìn giữ được những nét truyền thống của làng nghề xưa và từng bước đưa nghề rèn phát triển mạnh mẽ cùng thời gian trong xu thế hội nhập và phát triển của cả nước. Cùng với đó Ngày 09/6/2016, tại Nhà văn hóa Đa Sỹ, HND phường Kiến Hưng tổ chức ra mắt Tổ hội nghề Rèn truyền thống Đa Sỹ, thuộc Chi hội nông dân Tổ dân số 7, phường Kiến Hưng giúp hội viên nông dân đoàn kết, tương trợ, hợp tác lao động sản xuất. Hướng dẫn, tư vấn, cung cấp thông tin về thương mại, pháp lý, kinh tế, kỹ thuật cho hội viên, nhằm giúp hội viên nâng cao kiến thức và năng lực sản xuất, kinh doanh. Và cứ vào ngày 27 tháng 3 và 25 tháng tám âm lịch hàng năm, người dân làng Đa Sĩ lại tổ chức cúng lễ hai cụ tổ nghề là Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần rất linh đình nhằm tưởng nhớ những người khai nghiệp cho dân làng có được cuộc sống ấm no như ngày nay./.

 

Theo HND TP Hà Nội

Lượt xem: 21

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân