Bạn đang ở đây

Nhìn lại 10 năm hoạt động của trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân hội nông dân tỉnh Hưng Yên

(14.11.2016)

(Website HNDHY) - Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm (trước đây) nay là Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh đã tích cực triển khai công tác dạy nghề, tư vấn, hướng nghiệp giới thiệu việc làm và hỗ trợ nông dân trong sản xuất, là địa chỉ học nghề tin cậy cho hội viên nông dân trong tỉnh.  

Chủ động gắn chức năng, nhiệm vụ với phong trào chung của hội, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông nghiệp nông thôn qua đào tạo nghề và thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu tìm việc làm ngày càng lớn của đông đảo hội viên nông dân, từng bước đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao vai trò vị thế của tổ chức Hội. Trước tình hình đó Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh.

 Được sự quan tâm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ngày 24/6/2005 Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân - Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên. Từ đó trung tâm luôn đóng vai trò là cầu nối giữa các tổ chức, nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu với nông dân thông qua việc phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề nhằm giúp cho hội viên kiến thức về nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vào sản xuất có hiệu quả.

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển với tinh thần đoàn kết, sáng tạo khắc phục khó khăn của cán bộ, nhân viên Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã không ngừng lớn mạnh và từng bước trưởng thành về mọi mặt. Ngày đầu mới thành lập bộ máy của Trung tâm chỉ với 05 cán bộ kiêm nhiệm và 2 phòng làm việc, đến năm 2012 Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã trình và được Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt Dự án xây dựng Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên với kinh phí 37 tỷ đồng. UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí bồi thường, hỗ trợ đất đai và tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đầu tư xây dựng với số tiền 7.576.220 đồng, diện tích đất được cấp là 10.291m2; bao gồm: Nhà đa năng 3 tầng, khu ký túc xá 3 tầng, nhà hội trường, nhà ăn, khu trưng bày sản phẩm... đã cơ bản hoàn thành đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm trong công tác dạy nghề và hoạt động hỗ trợ nông dân.

Với phương châm dạy nghề theo phương pháp cầm tay chỉ việc, đào tạo những kiến thức mà người học cần thông qua việc hỗ trợ vật tư, thiết bị, vật liệu thực hành, xây dựng các mô hình thí điểm học nghề phù hợp và hiệu quả để vừa tuyên truyền vận động vừa tích cực hỗ trợ nhân rộng mô hình, phát triển sản xuất. Thông qua việc dạy nghề cho lao động nông thôn hội viên nông dân đã biết bố trí cơ cấu cây con phù hợp, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất,  thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững tại địa phương.

Tăng cường liên kết “4 nhà”, chủ động ký kết chương trình phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh nhiều hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân. Theo đó Trung tâm đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Tô Hiệu đã mở được 214 lớp cho 36.980 hội viên, nông dân tham dự, nội dung về chuyển giao KHKT trong lĩnh vực nông nghiệp, các kiến thức về VietGap, HACCP và các quy tắc sản xuất về an toàn thực phẩm. Phối hợp với Ban quản lý dự án “Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp”; Phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn 40 lớp cho 3.950 người về kỹ thuật xử lý rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp với 03 Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình, công ty cổ phần phân lân Văn Điển, công ty công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) tổ chức trên 420 lớp tập huấn cho 63.000 hội viên tham dự, cung ứng cho hội viên nông dân 46.188 tấn phân bón NPK và 12.000 tấn SUPE phốt phát Lâm Thao, trị giá 288 tỷ đồng theo phương thức hỗ trợ lãi suất thấp, phương thức trả chậm cho nông dân. Bình quân mỗi năm, các cấp Hội phát triển nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn được triển khai như phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan chức năng, các cấp Hội, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động cho lao động nông thôn. Trung tâm đã phối hợp với công ty xuất khẩu lao động IDC, công ty xuất khẩu lao động TOLECTO Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tư vấn được 53 lớp với 3.710 người tham dự và đã đưa được 198 lao động đi xuất khẩu nước ngoài gồm: Malayxia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Trung đông.

 Trung tâm luôn chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đào tạo theo “đơn đặt hàng”, “có địa chỉ đầu ra” giúp người lao động có việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Nhiều hộ gia đình có người học nghề đã có việc làm và không ít lao động nông thôn đã tận dụng được thời gian nông nhàn để sản xuất, tăng nhu nhập, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng tuyển chọn đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Năm 2010 Trung tâm đã phối hợp với trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên bồi dưỡng kiến thức cho 20 đồng chí giảng viên để có thêm kinh nghiệm giảng dạy; thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, tìm tòi, bổ sung và đa dạng hoá các loại hình và đối tượng đào tạo nghề cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Phát huy những kết quả đạt được, với tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tiếp tục quản lý khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề các chương trình hỗ trợ hội viên nông dân. Đồng thời làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn giúp nông dân có tầm nhìn mới trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất  gắn với thị trường; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; sản xuất đảm bảo vấn đề môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Nguyễn Trọng Cao

 

UVBTV, Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra

Lượt xem: 90

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân