Bạn đang ở đây

Những cây đa lịch sử ở Hưng Yên

(21.03.2016)

(Website HNDHY) - Cùng với giếng nước, mái đình, cây đa trở thành biểu tượng văn hóa của làng, đi vào cổ tích, gắn với ký ức mỗi người lớn lên ở làng từ thuở ấu thơ. Nhiều cây đa cổ thụ cũng là chứng nhân của lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Hưng Yên.

Cây đa Sài Thị, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Hưng Yên 

Nếu như mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào đã trở thành nổi tiếng cả nước thì đối với người Hưng Yên, cây đa Sài Thị, xã Thuần Hưng (Khoái Châu), ghi dấu sự ra đời của chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Hưng Yên hơn 80 năm trước cũng là chứng nhân nổi tiếng của lịch sử. Từ chi bộ đầu tiên được thành lập vào năm 1929 dưới bóng đa Sài Thị, với vẻn vẹn 7 đảng viên, được nhân dân ủng hộ, che chở, phong trào cộng sản đã không ngừng lớn mạnh, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh. 

Như những làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ, làng Sài Thị cũng có giếng nước, gốc đa, mái đình. Trong thời kỳ đen tối của cách mạng, giặc Pháp đã khủng bố điên cuồng, càn quét đốt phá. Đình cháy, giếng cạn, xóm làng tan tác, nhưng cây đa cổ thụ vẫn sừng sững uy nghi toả bóng mát. Cây đa Sài Thị cũng là địa điểm liên liên lạc, hội họp của chi bộ Đảng Sài Thị. Đốm lửa cách mạng từ Sài Thị cứ thế truyền đi khắp tỉnh... 

Buổi sáng chớm đông, đất trời vẫn chùng chình, lưu luyến không khí thu dịu nhẹ. Lướt xe trên con đường mang vẻ đẹp độc đáo với những rặng bạch đàn bên lề thẳng tắp, duyên dáng khoác màu xanh ngọc trong nắng sớm, chúng tôi về thăm lại cây đa Sài Thị. Con đường làng nhỏ xíu, lắt léo năm xưa, giờ được bê tông hoá phẳng lỳ. 

Cây đa cổ thụ lịch sử chứng kiến sự kiện trọng đại của tỉnh, vẫn xù xì, gân guốc phủ dấu thời gian nhiều thế kỷ, sừng sững, soi xuống dòng Ngưu Giang, toả bóng mát cả khu vực rộng lớn. Cây đa này bao nhiêu tuổi? Các cụ cao niên trong làng cũng chỉ nhớ, thuở bé cùng lũ bạn ra trèo cây, vặt quả thì cây đã to lớn lắm rồi.

Nhà bia tưởng niệm được trân trọng đặt nơi cây đa nhân chứng lịch sử như biểu hiện của lòng khắc ghi, tôn kính, như lời nhắc nhở lớp lớp con cháu mai sau, tự hào và sống xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha ông.

Cây đa Ninh Thôn, chứng nhân thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời Hưng Yên

Mỗi khi nhắc đến Sài Thị, địa danh gắn liền với sự kiện thành lập chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh, người ta lại nhớ đến Ninh Thôn, xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi, địa danh nổi tiếng với nhiều dấu mốc tiên phong, trong đó có sự kiện thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hưng Yên. Đây cũng là nơi có số cán bộ tiền khởi nghĩa nhiều nhất tỉnh.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Ân Thi, lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Ninh và lời kể của các cụ cao niên, cây đa Ninh Thôn là một trong những địa điểm quan trọng chứng kiến việc ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Ân Thi, một trong 3 chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh và thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời Hưng Yên. Sau này suốt thời kỳ chống Pháp, gốc đa Ninh Thôn trở thành hòm thư chết của cách mạng, là điểm đặt tín hiệu báo động cho cán bộ của Đảng khi về Ninh Thôn hoạt động. 

Lúc đó, trong vòng vây càn quét, khủng bố của thực dân Pháp và tay sai, tháng 4.1941, tại Ninh Thôn, chi bộ ghép Giai – Ninh Thôn bí mật ra đời, với 5 đảng viên. Tháng 7.1941, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy, tại Ninh Thôn, Tỉnh ủy lâm thời Hưng Yên được thành lập. Từ đây đã đề ra chủ trương, chuẩn bị các điều kiện tạo tiền đề quan trọng cho thời điểm tổng khởi nghĩa năm 1945…

Ngày nay, cây đa cổ thụ, chứng tích một thời hào hùng đánh giặc giữ nước đã về với tiên tổ. Trong  ký ức của dân làng, đây là cây đa hàng trăm năm tuổi, có cành lá xum xuê bóng rợp, tán rộng. Nơi gốc đa xưa, dân làng đã trồng thế một cây đa khác, thân khỏe khoắn vươn cao vững chãi, tỏa bóng mát quanh năm.

Cây đa La Tiến, một địa danh lịch sử

Tận hưởng không gian tĩnh mịch, yên ả dưới vòm lá xanh thẳm, rộng lớn của cây đa La Tiến hôm nay, thế hệ trẻ khó có thể hình dung nổi cảnh tượng “dây thép gai đâm nát trời chiều” bi thương, chết chóc, "đầu rơi máu chảy" mà vô cùng bất khuất ở chính gốc đa này hơn 60 năm trước.

Cây đa La Tiến, tọa lạc tại thôn La Tiến, xã Nguyên Hoà, huyện Phù Cừ. Đây là nơi thực dân Pháp hành quyết các chiến sĩ cách mạng bằng cách treo lên cành đa chìa ra sông Luộc và hành hình vô cùng man rợ… Kề bên cây đa trăm tuổi là đài liệt sỹ cao vút, in trên nền trời xanh, với dòng chữ vẫn tươi màu: “Nơi đây khu vực Cây đa La Tiến, những năm 1950 - 1954, kẻ thù đã giết hại 1.145 chiến sỹ, đồng bào yêu nước. Trong đó có 121 cán bộ, chiến sỹ nhân dân xã Yên Hòa, huyện Phù Cừ...”. Chúng tôi lặng đi vì xúc động, vì tự hào trước những tấm gương trung liệt của bao bậc cha anh đã bỏ mình vì nước.

Trước tội ác man rợ của kẻ thù, bộ đội chủ lực đã phối hợp với quân dân Phù Cừ tiêu diệt bốt La Tiến, giải phóng quê hương. Và cây đa La Tiến đã trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường của người dân Nguyên Hòa nói riêng và người dân Hưng Yên nói chung. 

Về La Tiến, tôi dưng dưng một cảm xúc lạ khi chứng kiến sự quan tâm đặc biệt mà mọi người dành cho cây đa này. Tưởng nhớ tới công lao của các anh hùng liệt sĩ đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại cây đa La Tiến đã được xây dựng dưới tán cây đa cổ thụ xum xuê tỏa bóng.

Theo các cụ cao niên ở làng, không ai biết được cây đa cổ thụ, chứng nhân của lịch sử, có từ thời nào, chỉ biết rằng, các sách còn lưu giữ được nói cây có khoảng 200 năm trước. Hơn một lục thập hoa giáp đã qua, từ những chỗ cành bị chặt phá, những chồi non đã mạnh mẽ bật lên thành tán lá xòe rộng bên dòng sông Luộc. Trải bao biến đổi của lịch sử, tự nhiên, cây đa vẫn xanh tốt. Rễ đa to như cột đình cắm sâu vào đất, tạo thành nhiều hang hốc.  Nhìn những lá cành vẫy gió, thảnh thơi nghiêng mình cạnh dòng sông, mấy ai nghĩ rằng, trước đó cây đa La Tiến đã phải chứng kiến biết bao mất mát, đau thương cũng như những khát khao chưa bao giờ tắt về cuộc sống hạnh phúc, bình yên của miền quê nghèo mà kiên trung, bất khuất.

 

Theo baohungyen

Lượt xem: 7

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân