Bạn đang ở đây

Nông dân và trang đầu sổ tay điều hành

(14.12.2020)

(Website HNDHY) - “Phi nông bất ổn, nông dân chịu nhiều hy sinh mất mát, chúng ta không quan tâm thì quan tâm ai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ. Và trên trang đầu của sổ tay điều hành, sổ tay hành động của Chính phủ luôn có hai chữ “nông dân”.

Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ này, mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng đều đến “xông đất” ngành nông nghiệp, thăm hỏi bà con nông dân đang làm việc trên các nông trường, cánh đồng. Chuyến “xông đất” đầu tiên là vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu (năm 2017). Thủ tướng đã đến nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, một mô hình được coi là lời giải cho “bài toán nông nghiệp”. Đó là nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh, sản xuất theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường gần 100 triệu dân của nước ta và xuất khẩu. Một “món quà” đầu năm mà người đứng đầu Chính phủ mang đến là yêu cầu nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để thực hiện vấn đề này. Một điểm thú vị là trong cuộc làm việc, Thủ tướng hứa sẽ đích thân trực tiếp cùng các ngành giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Sang Tết Nguyên đán Mậu Tuất (năm 2018), cũng trong ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm, làm việc với huyện Hải Hậu (Nam Định), một trong 3 huyện được Trung ương chọn để xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu; chứng kiến không khí sản xuất sôi nổi của bà con xóm Đông Châu, xã Hải Đông trên cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống vụ xuân 2018 giữa doanh nghiệp và nông dân với tinh thần “không để tháng Giêng đủng đỉnh ăn chơi”.

Trong ngày làm việc đầu tiên của năm Kỷ Hợi (năm 2019), Thủ tướng thăm hỏi, động viên bà con nông dân trên nông trường của một công ty xuất khẩu thực phẩm tại Ninh Bình, dự lễ xuất những chuyến hàng rau quả đầu tiên của công ty sang Nhật Bản trong năm mới. Trước giá trị kinh tế làm ra trên 1 ha đất nông nghiệp của mô hình này (250 triệu đồng/ha), Thủ tướng đưa ra một phép tính, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay khoảng 27,3 triệu ha thì với mô hình này, chúng ta có thể thu về gần 300 tỷ USD giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây vẫn chưa phải mức năng suất cao, bởi nhiều nơi như ở Thái Bình, mức thu là 500 triệu đồng/ha. Có thể thấy, nông nghiệp luôn là mỏ vàng. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam hoàn toàn có khả năng vào tốp 10, thậm chí cao hơn trong những thập niên tới. Nông nghiệp của chúng ta không chỉ đủ ăn, có thể làm giàu được, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng còn chủ trì hàng loạt hội nghị chuyên đề, gỡ các nút thắt, tạo đột phá cho từng ngành hàng nông nghiệp. Tại Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam (6/2/2017), mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam, chiếm đến gần 50% tổng kim ngạch, thời điểm cao nhất là năm 2014 xuất khẩu tôm đạt đến gần 4 tỷ USD, Thủ tướng mong muốn xuất khẩu tôm phải đạt 10 tỷ USD trước năm 2025.

Chủ trì Hội nghị về ngành gỗ và lâm sản, Thủ tướng gợi ý nhiều giải pháp với mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD và đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới. Thủ tướng còn chủ trì các hội nghị, sự kiện về phát triển gạo, rau củ quả, chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp và gần đây nhất là về cây mắc ca, cây được xem là có thể giúp xóa đói giảm nghèo và làm giàu.

Tại các sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc đến mục tiêu đưa nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới trong thời gian tới. Khâu chế biến rất quan trọng để giải bài toán “được mùa, mất giá”. Trong nhiệm kỳ vừa qua, cả nước đã xây dựng 60 nhà máy chế biến nông sản và trong năm 2020 đã xây dựng được 12 nhà máy chế biến với số vốn gần 50.000 tỷ đồng.

Thủ tướng đã có các cuộc đối thoại với nông dân ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để lắng nghe và tháo gỡ, với tâm thế “Đảng, Nhà nước còn nhiều trăn trở về các khó khăn của nông nghiệp, nông dân vì thế chúng ta cần tháo gỡ để làm sao nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong những bối cảnh đặc biệt như đại dịch COVID-19 đang diễn ra”.

Tại cuộc đối thoại với nông dân gần đây nhất (vào tháng 9/2020), tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng bày tỏ, có được bức tranh tam nông như ngày hôm nay là có sự đóng góp rất lớn của hơn 10,2 triệu hộ nông dân Việt Nam. “Bà con nông dân chúng ta một nắng hai sương, tần tảo, lo cuộc sống gia đình và sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp có sản lượng lớn”, giữ cho nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, cũng chính là khát vọng của những người nông dân Việt Nam. Nếu 65% bộ phận người dân nông thôn không phát triển, đời sống không được nâng cao, thì đó chưa phải là hùng cường.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Bước trên hành trình đầy tham vọng này, vừa cần những bản chiến lược đồ sộ, vừa cần cả những điều giản dị hơn. Trong khi theo đuổi các dự án lớn của quốc gia, Chính phủ cũng không bỏ sót những dự án nhỏ, những con đường, chiếc cầu ở nông thôn - nơi tạo ra việc làm và thu nhập trực tiếp cho bà con. Chúng ta không khỏi xót xa khi nhìn thấy trẻ em đến trường phải đu dây qua những dòng sông ở nhiều tỉnh miền núi hay phải chèo xuồng đến trường ở nhiều tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng từng bày tỏ.

"Rốt ráo" có thể xem là từ miêu tả chính xác nhất tâm thế của lãnh đạo Chính phủ với trăn trở thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp. “Lòng nóng như lửa, đứng ngồi không yên" là lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp chiều 19/2/2019 khi ông chỉ đạo các giải pháp cho nông dân ĐBSCL đang lao đao vì đà giảm của giá lúa gạo. Đó không phải là lần đầu tiên Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ cho nông dân.

Với sự hỗ trợ này, ngành nông nghiệp có được khí thế vùng lên, chuyển dấu tăng trưởng từ âm  (-) của năm 2016 sang dương (+) từ đó đến nay và liên tục ở mức cao, ngay cả giữa đại dịch, vẫn giữ được “phong độ". Việt Nam ngày càng có nhiều hơn những triệu phú, tỷ phú là nông dân.

Để “khơi nguồn nông sản Việt”, thúc đẩy thị trường tiêu thụ và liên kết sản xuất, Chính phủ đã quyết liệt hoàn thiện các chủ trương, chính sách, xúc tiến thương mại, đầu tư và sẵn sàng “đi chợ” cùng bà con nông dân. "Tiếp thị" là cách nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để mô tả việc ông và các lãnh đạo Chính phủ trong mọi chuyến đi nước ngoài, đều giới thiệu sản phẩm nông sản Việt.

Tháng 3/2018, giữa lịch trình dày đặc của chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại với 12 tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu của nước này. Tại đây, một câu hỏi được các tập đoàn này đặt ra: Chính phủ Việt Nam có ủng hộ ngành mắc ca ở Việt Nam không, có xem đây là ngành sản xuất nông nghiệp hay không? Trước khi chuyển câu hỏi này cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Thủ tướng cho biết mắc ca ở Việt Nam tốt hơn ở Australia, sau đó ông cầm một hộp mắc ca “Made in Việt Nam” mời các nhà đầu tư của Australia thưởng thức.

Trong chuyến công tác nước ngoài nào, Thủ tướng cũng tới thăm Đại sứ quán Việt Nam, liên tục “đặt hàng” các tham tán thương mại, Đại sứ về kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước, mở cửa thị trường, quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản.

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ vào ngày 2/12, Thủ tướng nêu ra sáng kiến về một chương trình đưa sản phẩm của bà con nông dân, nông thôn ra thành thị, có như vậy mới giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, mới giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng ở vùng nông thôn. “Chúng ta đang nói kích cầu tiêu dùng bằng cách đưa hàng về nông thôn. Hôm nay, chúng ta đưa ra sáng kiến mới, đề xuất chương trình mới, chương trình đưa hàng nông thôn lên thành thị”.

Con đường thịnh vượng cho đất nước, cho sự sung túc, khá giả hơn cho người dân, đòi hỏi Chính phủ ngày đêm phải lao tâm khổ trí, vừa triển khai các chính sách đột phá phát triển kinh tế, vừa thực thi không ngừng các chính sách giải phóng nguồn lực, để làm sao “mỏ vàng” nông nghiệp thực sự giúp nâng cao đời sống nhân dân mà Chính phủ không có ước mơ nào cao hơn thế. Đến nay, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD và có hàng chục ngành hàng có doanh số xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm. Hằng năm, có hơn 3,5 triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có hàng trăm nghìn người làm nông nghiệp có thu nhập hàng tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị (tăng 3,92 lần từ mức 9,15 triệu đồng năm 2008 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018).

Nông nghiệp, nông dân có thể sẽ còn đối diện nhiều thách thức, nhất là thiên tai, bão lũ, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự bấp bênh của thị trường, dịch bệnh. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ luôn tin tưởng về một giai cấp nông dân Việt Nam tự cường, sáng tạo trong giai đoạn mới, một lớp nông dân mới trung thành với Tổ quốc, có kiến thức khoa học công nghệ để vươn lên mạnh mẽ, có khát vọng để xây dựng đất nước phồn vinh

Như Thủ tướng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra trong tuần này, mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua. Với những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua.

Theo chinhphu.vn

 

Lượt xem: 18

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân