Bạn đang ở đây

Nuôi bò BBB, thu hàng trăm tỷ

(15.02.2017)

(Website HNDHY) - Hà Nội đang là địa phương đi đầu cả nước về chăn nuôi bò thịt BBB. Theo thống kê của Công ty CP Giống gia súc Hà Nội - đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ triển khai dự án phát triển đàn bò BBB, đến nay số bê F1 sinh ra của toàn dự án là 38.970 con, giá trị sản phẩm ước đạt trên 700 tỷ đồng.

Giá cao hơn 10 triệu đồng so với bò thường

Ba Vì là một trong những huyện triển khai dự án chăn nuôi bò BBB từ khá sớm. Trong giai đoạn 2012 – 2015, toàn huyện đã phối giống được hơn 5.000 bò cái nền và kết quả là đã có hơn 4.000 con bê sinh ra. Riêng năm 2016, số bê được sinh ra là 4.900 con.

Ông Nguyễn Đình Dần - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, qua quá trình triển khai mô hình trong thực tế, bê lai F1 BBB sinh ra nuôi trong vòng 6 tháng cho lãi trung bình 6 triệu đồng/con. Do đó, việc lai tạo giống bò BBB được các xã nhiệt tình ủng hộ, người dân đánh giá có hiệu quả cao, giúp cải thiện thu nhập gia đình. Huyện Ba Vì cũng đang có định hướng tiếp tục mở rộng đàn bò BBB, phấn đấu đến năm 2020 phát triển đàn bò hướng nạc lên hơn 40.000 con.

Ông Dần cho biết thêm, từ con bò lai Sind, việc phối với tinh bò “khổng lồ” BBB nhập ngoại sẽ tạo ra con lai F1 với nhiều đặc điểm vô cùng nổi trội. “Con bê giống BBB mới lọt lòng đã nặng 30-32kg, trong khi con bê giống khác chỉ 18-20kg. Sau 4 tháng tuổi, bê BBB có thể nặng trên 2 tạ, tức “ăn ra” trên 70kg hơi so với bò thường. Sau 17-18 tháng tuổi, bò BBB đạt trung bình 5 tạ, 22-24 tháng tuổi có thể đạt 6-7 tạ, cá biệt có con còn đạt trọng lượng trên 8 tạ” - ông Dần khẳng định.

Là một trong những hộ đi đầu trong nuôi bò BBB ở huyện Ba Vì, ông Đỗ Văn Xuấn ở xã Tòng Bạt cho biết: “Nuôi bò BBB không chỉ nhàn mà thu nhập còn cao hơn nhiều so với nuôi các giống bò thường khác. Sắp tới gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng trang trại để nuôi thêm nhiều bò BBB”.

Cùng với huyện Ba Vì, tại huyện Thanh Oai, việc chăn nuôi bò trên vùng đất bãi ven sông Đáy đã được địa phương xác định là một trong những hướng đi quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp. Thực hiện chương trình lai tạo đàn bò BBB từ năm 2014, đến nay, toàn huyện đã thực hiện phối giống cho gần 2.500 con bò cái nền, số bê sinh ra gần 700 con.

Bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, bê lai BBB sinh ra có trọng lượng lớn hơn bê lai Sind và dễ nuôi, tăng trọng nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi nuôi 12 tháng, giá bán bò BBB cao hơn bò lai thông thường từ 8 - 10 triệu đồng/con.

Thống kê của Công ty CP Giống gia súc Hà Nội cho thấy, ngoài số bò đã tham gia dự án là hơn 35.700 con từ những năm trước, sang năm 2016, dự án đã tiếp tục bình tuyển bổ sung đàn bò cái nền thêm gần 3.000 con. Đến nay, số bê F1 sinh ra của toàn dự án là 38.970 con. Khối lượng bê sơ sinh bình quân 29,5kg/con. Giá trị sản phẩm do đàn bò F1 BBB làm ra ước đạt trên 700 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với giống bò thịt khác cùng thời điểm.

Chú trọng phát triển theo chuỗi giá trị

Chăn nuôi bò BBB đang là hướng đi mới, giúp nhiều bà con nông dân ngoại thành có thu nhập cao. Bên cạnh đó, với khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm thịt bò nhập khẩu, mô hình nuôi bò BBB của Hà Nội đã được Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) chọn làm điểm để nhân rộng, chuyển giao công nghệ lai tạo cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thực tế những năm qua, Hà Nội cũng đã hợp tác, liên kết với nhiều địa phương để chuyển giao công nghệ lai tạo đàn bò BBB như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hải Dương, Lâm Đồng… Qua đó đã hình thành các vùng chuyên canh bò thịt tại Hà Nội cũng như một số tỉnh, góp phần cung cấp nguồn thịt bò chất lượng cao cho người tiêu dùng Thủ đô.

Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định: Bò BBB là giống bò siêu thịt của thế giới và đang được nhiều nước châu Âu dùng làm bò cao sản. Khi đưa vào phát triển ở Việt Nam, giống bò này cho thấy khả năng thích nghi tốt, cho năng suất cao. “Hình nuôi bò BBB đã và đang là hướng đi mang lại thu nhập cao cho người dân Thủ đô nói riêng và một số tỉnh khác nói chung. Có hộ thu nhập tới hàng trăm triệu đồng/năm nhờ dòng bò này” - ông Vân khẳng định.

Cũng theo ông Vân, để tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình trên, Sở NNPTNT Hà Nội cần rà soát lại các khâu kỹ thuật, dinh dưỡng, trong đó xây dựng ngay chế độ vỗ béo trong 4 tháng cuối (từ 18 – 22 tháng), đồng thời rà soát đánh giá lại mô hình, xây dựng đàn bò BBB theo chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ.

 

TheoDân Việt

Lượt xem: 35

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân