Bạn đang ở đây

Nuôi dê ở Hưng Yên, đầu tư ít - lợi nhuận cao

(03.04.2017)

(Website HNDHY) - Là một tỉnh đồng bằng không có đồi núi, tuy nhiên những năm qua, nhiều nông dân của Hưng Yên đã mạnh dạn đưa dê núi vào chăn nuôi. Với khả năng kháng bệnh cao, chi phí đầu tư ít, nghề nuôi dê đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân nhiều địa phương trong tỉnh.

Gần 30 năm trước, ông Vũ Văn Dương ở thôn Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang) biết đến mô hình chăn nuôi dê đầu tư không lớn mà cho hiệu quả kinh tế cao nên đã quyết tâm tìm mua dê giống và học tập kinh nghiệm chăn nuôi. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, lúc đầu ông mua 5 con dê giống về nuôi. Đến nay trong chuồng nuôi của gia đình ông Dương thường xuyên có trên 50 con dê nái và dê thịt. Chuồng nuôi được ông thiết kế đơn giản bằng cách tận dụng những cây tre, gỗ để làm chuồng nên cũng không cần phải đầu tư nhiều. 

Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên đàn dê của ông thường hay bị ốm và chậm lớn. Vừa nuôi, ông vừa tìm tòi, học hỏi qua sách, báo, đi tham quan các mô hình nuôi dê để có thêm kiến thức, kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi của gia đình. Trung bình mỗi ngày ông Dương chăn thả dê khoảng 5h ở các cánh đồng để dê tìm kiếm nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Cách chăn nuôi này vừa giảm chi phí thức ăn, đàn dê lại nhanh lớn, được khách hàng ưa chuộng hơn.

Ông Dương cho biết: “Chăn nuôi dê không khó bởi dê là động vật ăn tạp, thức ăn của chúng cũng rất dễ tìm như các loại lá cây, cỏ… (trừ lá cây khoai ngứa, lá tre) và không cần cho ăn thêm thức ăn tinh. Muốn nuôi dê có hiệu quả cần phải chú ý đến khâu chọn con giống, cách phối giống. Chuồng nuôi phải cách mặt đất, thoáng mát, sạch sẽ, bảo đảm được nhiệt độ, độ ẩm phù hợp mỗi mùa. Thường xuyên dọn vệ sinh chuồng, định kỳ tẩy uế chuồng trại, dê sẽ phát triển tốt, ít bị dịch bệnh”. 

Ngoài một số con vật nuôi truyền thống như: trâu, bò, lợn, vịt, gà..., thời gian qua, huyện Ân Thi đã khuyến khích người dân phát triển các mô hình mới như chăn nuôi dê để nâng cao thu nhập.

Đi dọc cánh đồng các xã: Hồng Quang, Hồng Vân, Hồ Tùng Mậu… (Ân Thi) chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều đàn dê lớn nhỏ đang say sưa gặm cỏ. Các đàn dê được nông dân trong xã chăn thả trên bờ kênh mương trông thật thích mắt, nhưng quan trọng hơn đó lại là nguồn thu nhập không nhỏ của người dân địa phương.

Bất kể ngày mưa, ngày nắng, anh Trương Minh Thuận ở thôn Gạo Nam, xã Hồ Tùng Mậu đều phải đưa đàn dê của mình đi chăn thả ở các cánh đồng xung quanh. Bắt đầu chăn nuôi dê từ năm 2012 với 8 dê con giống, nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi, anh Thuận dành hết thời gian, tâm huyết vào đàn dê. Đến nay, đàn dê của gia đình anh đã lên tới 30 con, trong đó có 13 con dê nái. Chuồng trại nuôi dê được anh Thuận làm đơn giản từ tre, gỗ, nền chuồng cao hơn mặt đất từ 70 – 100cm, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. 

Theo tính toán của anh Thuận, trung bình mỗi năm dê nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 – 3 con. Thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 – 12 tháng (lúc này con dê sẽ đạt trọng lượng trung bình từ 30 – 35kg/con); thời gian nuôi dê thịt chỉ từ 5 – 6 tháng. Mỗi năm, gia đình anh Thuận xuất bán trên 40 con dê thịt và dê giống. Với giá bán hiện nay là 140.000 – 150.000 đồng/kg dê thịt và 250.000 đồng/kg dê giống, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng. 

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi dê, anh Thuận cho biết: “Gia đình tôi nuôi giống dê lai, bởi giống dê này có thịt ngon, lại ít bị bệnh, khả năng sinh trưởng, sinh sản tốt. Để có đàn dê khỏe mạnh, yếu tố đầu tiên là phải chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Đặc biệt, thức ăn phải để khô ráo trước khi cho dê ăn”.

 

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 57

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân