Bạn đang ở đây

'Ông trùm' lợn nái

(11.05.2016)

(Website HNDHY) - Khi tôi quay trở lại xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), người dân xứ núi Tân Quang đã gọi vợ chồng anh Huy bằng cái biệt danh đầy thán phục, ngưỡng mộ - “ông trùm” lợn nái.

Lưng vốn khởi nghiệp là hơn một tỷ đồng tiền vay ngân hàng và tích góp được. Những tưởng cuộc sống khốn khó của gia đình sẽ đổi thay từ đó, nào ngờ sau hơn một năm xây dựng trang trại toàn bộ vốn liếng của vợ chồng anh Nguyễn Thái Huy, chị Phạm Thị Lưu tan thành bọt biển.

Nhưng 6 năm sau tôi quay trở lại xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), người dân xứ núi Tân Quang đã gọi vợ chồng anh Huy bằng cái biệt danh đầy thán phục, ngưỡng mộ - “ông trùm” lợn nái.

Lời không mừng, lỗ không chán

Tôi biết anh Huy từ năm 2008, bởi thứ nhất, anh là người đầu tiên ở quê hương cách mạng Trần Phú dám liều vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn. Thứ hai, anh cũng là người đầu tiên ở Đức Thọ tay trắng thê thảm sau một trận dịch tai xanh đầu năm 2009.

Ấy vậy mà sau 6 năm quay trở lại, tôi ngỏ ý muốn viết về mô hình phát triển kinh tế điển hình của địa phương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Thọ, Nghiêm Sỹ Đông nghĩ ngay đến “ông trùm” lợn nái Nguyễn Thái Huy.

Con đường dẫn vào trang trại của gia đình anh Huy đã được bê tông hóa phẳng lì. Vừa đến cổng, một chiếc xe ô tô hiệu Toyota đậu xịch trước sân. Người đàn ông 6 năm trước tôi gặp nay vẫn “thuần nông” giống như hàng triệu nông dân khác.

Anh Huy bảo: “Cứ tự động viên mình “lời không mừng, lỗ không chán” rồi cũng “đến hồi thái lai””. Đúng. Bây giờ trang trại lợn nái của gia đình anh được đánh giá là một trong những mô hình điển hình nhân rộng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và là điểm học tập, chia sẻ kinh nghiệm với những người có máu làm giàu từ nông nghiệp.

Quay trở lại thời khắc gian truân nhất, anh Huy kể, vì anh học dốt nên không thể theo nghiệp giáo viên hay đi làm công nhân như bố mẹ. Học xong THPT anh bôn ba khắp nẻo ngược xuôi làm đủ thứ nghề, từ phụ xe khách đến buôn gạo, gà, lợn... Năm 21 tuổi anh kết duyên với chị Phạm Thị Lưu, tài sản lúc ra riêng là hai bàn tay trắng, cả hai vợ chồng đều không có nghề nghiệp.

“Từng đi nhiều nên tôi nhận ra đất quê mình dồi dào lắm, rất dễ làm kinh tế trang trại. Sau một thời gian làm đơn, năm 2008 xã Đức Lạng cho tôi thuê 4 ha đất đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp gà, lợn, vịt”, anh Huy nói.

Có đất trong tay, anh vay ngân hàng và người thân gần 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại và mua con giống. Vì không được đào tạo qua trường lớp, phải vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm nên gần 5 năm ròng, trang trại của anh sóng gió dồn dập, năm 2009 toàn bộ vốn liếng đầu tư ban đầu bị dịch tai xanh cuốn sạch.

“Năm ấy giá cả đầu vào cao, đầu ra thấp, lãi ngân hàng cũng chạm mốc 19 - 21%/năm. Bao nhiêu lợn, gà, vịt xuất bán không đủ trang trải chi phí đầu tư và lãi ngân hàng chứ chưa nói đến khấu hao tài sản hay trả lương công nhân. Đùng một cái, bão dịch tai xanh quét qua. 500 con lợn thương phẩm (bình quân 50 - 60 kg) chết lên bờ xuống ruộng, hơn 1 tỷ đồng của vợ chồng tôi đội nón ra đi trong chớp mắt”, anh Huy trầm tư nhớ lại.

Nhiều người hàng xóm thấy vậy, bàn vợ chồng anh bỏ nghề nhưng anh tự động viên mình “không có thành công nào không trải qua thất bại”. Hai vợ chồng lại dựng nghiệp lần hai bằng số tiền vay ngân hàng 1,3 tỷ đồng. Sóng gió vẫn chưa qua đi, từ năm 2010 - 2011 mỗi năm chăn nuôi cật lực anh vẫn lỗ vài trăm triệu đồng. Mãi đến cuối 2011 đầu năm 2012, khi Đảng, nhà nước có chính sách kích cầu chăn nuôi, trang trại của gia đình anh mới hái ra tiền.

Ăn nên làm ra

Vốn xuất phát điểm từ chăn nuôi lợn thương phẩm, sau khi được hưởng chính sách hỗ trợ anh đầu tư nuôi thêm lợn nái. Mỗi năm xuất chuồng hàng chục lứa lợn (theo hình thức cuốn chiếu), sau khi trừ chi phí anh thu lợi nhuận trên dưới 2 tỷ đồng/năm.

Cuối năm 2014, trang trại của anh tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt (tỉnh hỗ trợ 2,2 tỷ đồng; huyện 800 triệu đồng; nhà nước hỗ trợ 70% lãi suất ngân hàng) đầu tư xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi lợn nái ngoại cấp bố mẹ.

Hiện tổng đàn của trang trại đạt 400 con lợn nái, mỗi tháng xuất chuồng 600 - 650 con lợn giống cho 12 tổ hợp tác chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện Đức Thọ. Với giá bán như hiện nay (1,3 triệu đồng/con/7kg), mỗi tháng trừ chi phí anh còn lãi trên 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Thái Huy cho hay, anh làm trang trại có chia sẻ lợi nhuận với các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo đó, bằng hình thức chuỗi liên kết, anh đóng vai trò là người trung gian kéo gần khoảng cách từ trang trại đến bàn ăn. Ngoài việc cung ứng lợn giống cho nông dân, anh còn cho bà con nợ thức ăn đến lúc lợn xuất chuồng; cam kết bao tiêu hết sản phẩm.

Chủ một tổ hợp tác chuyên nhập lợn giống từ trang trại anh Huy nói: “Mua lợn ở trang trại này không chỉ rẻ hơn ngoài thị trường 150.000 - 200.000đ/con mà con giống còn đảm bảo các tiêu chí sạch bệnh và có nguồn gốc”.

Một người biết tận dụng thời cơ, được ghi nhận với cái tên “ông trùm” lợn nái nhưng dù hoàn cảnh nào anh Huy vẫn luôn khiêm tốn, hàng ngày “cầm tay chỉ việc” cho từng công nhân, thậm chí đến tận tổ hợp tác, hộ dân hỗ trợ kỹ thuật cho những người có nhu cầu.

 

Theo NNVN

Lượt xem: 10

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân