Bạn đang ở đây

Sản xuất nông nghiệp ứng phó với thời tiết mùa hè

(01.06.2018)

(Website HNDHY) - Thông thường, mùa hè là thời gian xảy ra nhiều bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp như: Nắng nóng, mưa, bão, úng, lụt, dông, lốc... Năm nay, mới bước vào đầu mùa hè nhưng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài, mưa lớn trong nhiều ngày, kèm theo dông lốc. Nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nông dân trong tỉnh đã và đang áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đề phòng tình huống thiên tai xảy ra.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân tại các vùng chuyên canh rau màu thuộc các xã: Yên Phú (Yên Mỹ), Thiện Phiến (Tiên Lữ), Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên)… đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với thời tiết khắc nghiệt của mùa hè.

Ông Vũ Tuấn Trường, ở xã Trung Nghĩa cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên duy trì gieo trồng 7 sào rau màu. Nhằm hạn chế ảnh hưởng do nắng nóng, mưa dông, tôi đã đầu tư một phần diện tích trồng rau trong nhà lưới, còn lại làm vòm che phủ lưới và nilon. Nếu làm nhà lưới, nhà kính đầu tư 100 – 200 triệu đồng/sào thì làm vòm khung bằng tre, che 1 lớp lưới, 1 lớp ni-lon chỉ hết 2,5 - 3 triệu đồng/sào mà vẫn mang lại hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, rau trồng được lên luống cao, đào rãnh sâu, giữ độ ẩm thích hợp khi trời nắng nóng, đồng thời tiêu thoát nước nhanh khi gặp mưa. Một số hộ ở địa phương còn sử dụng hệ thống tưới văng, tưới phun mưa cho cây trồng. Bằng cách làm này, qua các đợt nắng nóng, mưa lớn kéo dài, rau màu giảm thiểu được ít nhất 80% ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh gây hại”. 

Tại những vùng trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả quy mô lớn ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, thành phố Hưng Yên… các chủ vườn đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, phòng, tránh thiên tai bảo vệ cây trồng. Ông Trần Mạnh Thắng, người có thâm niên trồng và kinh doanh quất cảnh, bưởi cảnh ở xã Đông Tảo (Khoái Châu) chia sẻ: “Do đặc điểm mùa hè thường có những đợt nắng nóng, mưa to, chúng tôi luôn giữ cho vườn cây đủ độ ẩm, tưới nước thường xuyên ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát; các hộ trồng bưởi, cam, ổi, nếu có điều kiện nên sử dụng nilon để bao, che quả chống nắng, chống sương và xâm hại của côn trùng, đồng thời chú ý khơi sâu rãnh để tiêu thoát nước nhanh khi bị úng. Việc làm này thường được người sản xuất tính toán và thực hiện ngay từ khi đặt cây xuống trồng đến suốt quá trình chăm sóc”.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, mùa hè năm nay trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, mưa dông. Thời tiết khắc nghiệt không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả lao động, mà còn làm nhiều loại cây trồng bị khô hạn, ngập úng, sinh trưởng, phát triển chậm. Bên cạnh đó, một số loại sâu, bệnh phát sinh gây hại trên cây trồng như: Rầy nâu – rầy lưng trắng, bệnh khô vằn gây hại trên lúa; bệnh thán thư, sâu đục cuống quả, rệp sáp gây hại trên vải; nhện đỏ, nhện trắng gây hại trên cây có múi...

Nhằm đề phòng những diễn biến bất thường của thời tiết mùa hè, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tu sửa các trạm bơm, hệ thống công trình thủy lợi, đồng thời phối hợp cùng các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống úng, hạn phục vụ sản xuất và dân sinh. Ngành Nông nghiệp và PTNT  tích cực khuyến cáo nông dân nắm bắt thông tin thời tiết, bố trí thời gian làm việc ở ngoài đồng hợp lý và áp dụng các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng trong điều kiện nắng nóng, đề phòng và sẵn sàng đối phó, khắc phục hậu quả mưa úng. 

Bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để chủ động đối phó sự khắc nghiệt của thời tiết, thời gian tới nông dân cần tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết, quá trình sinh trưởng của cây trồng, sự phát sinh, phát triển, gây hại của các loại sâu, bệnh để áp dụng biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng như: Điều chỉnh cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng; sử dụng nhà lưới, nhà kính để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, tránh mưa, nắng cho cây trồng, chằng chống cây ăn quả đề phòng gió lốc (nếu có thể); sử dụng vật liệu để che phủ cho cây, quả; đào sâu rãnh, đắp cao luống khi gieo trồng, bảo đảm đủ nước tưới khi nắng nóng, tiêu thoát nước nhanh khi gặp mưa úng. Với những vùng trạm bơm của Nhà nước không thể phục vụ, nông dân nên tận dụng nước ở ao hồ, giếng khoan nước ngầm để tưới cho cây trồng theo phương pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa và chủ động tiêu thoát nước nhanh khi gặp mưa; bón phân cân đối, hợp lý theo nhu cầu dinh dưỡng cho từng loại cây trồng ở mỗi thời kỳ sinh trưởng; phòng, trừ sâu, bệnh đối với những nơi có mật độ gây hại cao bằng các loại thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc “4 đúng”.

Thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, diện tích nuôi thả thủy sản theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Ngoài ra, nông dân không nên ra đồng sản xuất vào thời điểm nắng nóng, mưa dông để nâng cao năng suất lao động, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 4

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân