Bạn đang ở đây

Tại sao lúa bị ngộ độc hữu cơ?

(12.07.2018)

(Website HNDHY) - Trước hết ta cần hiểu ngộ độc hữu cơ là gì, có phải do bón quá nhiều chất hữu cơ mà cây lúa bị ngộ độc không? Câu trả lời là không phải vậy. Vì nếu đúng thế thì người ta khuyên nông dân bón nhiều phân hữu cơ cho lúa hay trả lại chất hữu cơ cho đất là có hại hay sao...

Vấn đề chính là sau khi thu hoạch vụ trước, rơm rạ hay xác cây còn tươi được cày vùi vào đất đang có độ ẩm cao, chất hữu cơ này đang ở trong tình trạng yếm khí. Sau khi bị vùi vào môi trường như vậy, rơm rạ sẽ bị các vi sinh vật, chủ yếu là vi sinh vật yếm khi tiến hành phân giải để trở thành các hợp chất hữu cơ mịn hơn rồi biến thành mùn để làm đất tơi xốp và cung cấp chất dinh dưỡng trở lại cho cây. Nhưng để làm được chức năng đó, cần phải có thời gian cần thiết. Thời gian này dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm thích hợp trong đất quyết định.

Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thành Hối, trong điều kiện nhiệt và ẩm độ trong vụ mùa ở ĐBSCL vùi rơm rạ tươi vào ruộng, sau 3 tháng mới có hơn 60% số lượng rơm rạ được phân giải hoàn toàn, số còn lại được gọi là bán phân giải.

Trong quá trình phân giải như vậy, có nhiều sản phẩm phụ được thải ra trong môi trường đất, đó là các axit hữu cơ như axit Butyric, axit Propionic, Axit acetic… cùng với các loại khí như khí Ethylene, H2S, S04, CH4...

Những sản phẩm này với nồng độ cao có mùi hôi khó chịu và rất độc cho môi trường, đặc biệt là rễ cây lúa. Các chất độc xâm nhập vào rễ lúa làm cho các tế bào rễ bị hại, mất khả năng hút nước và thức ăn nuôi cây, rễ lúa lúc đầu bị mất nước, trở thành màu vàng sau đó trở thành đen và có mùi hôi tựa trứng gà ung. Cây lúa sẽ bị vàng yếu, sinh trưởng kém, bị nặng cây sẽ chết.

Trong sản xuất để tránh tình trạng này, cách rẻ tiền nhất là cày vùi để phơi đất thật khô, người ta gọi cày phơi đất thật khô ải, gọi tắt là cày ải. Nếu không có đủ nắng để phơi khô thì cho nước vào ngâm đất thật kỹ. Nếu có đủ thời gian làm được như vậy thì các chất hữu cơ tươi bị mục nát rất nhanh, các chất độc do vi sinh phân giải rồi thải ra cũng sẽ bị phân hủy rất nhanh, đến vụ gieo cấy, người ta cho nước vào ruộng, đất sẽ tan rã ra rất nhanh, làm đất cũng dễ dàng. Làm được như vậy sẽ không bao giờ xảy ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ.

Tuy nhiên trong điều kiện ở ĐBSCL, do tập quán cần làm 2 - 3 vụ lúa trong năm, thậm chí có vùng làm 2 năm 7 vụ lúa thì thời gian nghỉ giữa 2 vụ rất ngắn. Nếu lấy mức cơ cấu 3 vụ lúa trong năm, với giống lúa 95 - 100 ngày thì có vùng vừa gặt xong vụ trước mới 1 tuần đã phải làm đất để gieo sạ cho vụ sau, có ít vùng đất được nghỉ giữa 2 vụ 3 - 4 tuần. Vì vậy, hiện tượng ngộ độc hữu cơ trên đất lúa thường hay xảy ra, nhất là từ vụ đông xuân chuyển sang vụ hè thu hoặc hè thu chuyển sang thu đông.

Vậy có biện pháp nào để khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ có hiệu quả trong điều kiện sản xuất 3 vụ lúa trong năm? Câu trả lời là có, nhưng phải áp dụng các biện pháp liên hoàn gắn kết với nhau.

Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Bảo Vệ, người nông dân cần tính toán để có thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất là 3 tuần với điều kiện cày ải được thuận lợi. Những vùng đất chua, có độ pH dưới 5, cần bón vôi , liều bón từ 500 - 1.000kg/ha. Cần bón lót nhiều phân lân hơn mức bình thường, khoảng 60 - 70kg P205/ha. Nên sử dụng phân Đầu Trâu mặn phèn để bón lót, liều bón 200 - 300kg/ha. Những nơi không cung ứng đủ loại phân này thì nên dùng phân lân nung chảy liều bón từ 300 - 500kg/ha.

Tiếp đó là cần sử dụng giống xác nhận để có điều kiện làm cho cây mạ khỏe, sạ thưa, khoảng 80kg, nhiều lắm là 100kg/ha. Với phân bón thúc nên sử dụng phân Đầu Trâu TE-A1 bón thúc 2 đợt đầu và TE-A2 để bón thúc đòng. Sau sạ 15 - 17 ngày cần rút nước phơi ruộng 3 - 5 ngày, sau sạ 30 - 32 ngày lại rút nước phơi ruộng 1 lần nữa. Sử dụng phương pháp tháo nước phơi ruộng xen kẽ sẽ làm giảm khả năng gây ngộ độc hữu cơ cho lúa rất tốt.

Theo nongnghiep.vn

Lượt xem: 4

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân