Bạn đang ở đây

Tạo đòn bẩy thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nông thôn mới

(22.03.2017)

(Website HNDHY) - Nhìn lại hơn nửa chặng đường từ sau Đại hội VIII (nhiệm kỳ 2013 - 2018) đến nay, công tác Hội và phong trào nông dân Hưng Yên không ngừng được đổi mới và phát triển. Các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh luôn chủ động, sáng tạo, bám sát vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của  cấp uỷ chính quyền và Hội cấp trên.

Qua đó, cụ thể hoá bằng chương trình, kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, nội dung thực hiện cho hội viên, nông dân; tạo nên ý thức tự nguyện, tự giác cao từ việc đồng thuận chủ trương đến tham gia hành động. 

Trong nhiệm kỳ qua, 3 phong trào thi đua lớn được các cấp hội quan tâm chỉ đạo, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo nông dân trong tỉnh tham gia. Từ phong trào, nông dân đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Bình quân hàng năm đã có trên 84 nghìn hộ đăng ký thi đua SXKD giỏi các cấp, đạt 57 % số hộ có hội viên. Phong trào tiếp tục phát triển và có sức lan tỏa giữa các địa phương trong tỉnh và trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh - dịch vụ, với số hộ SXKD giỏi có thu nhập cao ngày càng tăng và trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng và mạnh mẽ ở nông thôn, khích lệ và phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân; Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 315 lớp dạy nghề cho gần 10 nghìn lượt lao động nông thôn, tổ chức được 732 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 58 nghìn lượt hội viên nông dân, tổ chức trình diễn mô hình, hội thảo đầu bờ được 212 cuộc với hơn 13 nghìn lượt hội viên nông dân tham gia. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các Công ty phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông cung ứng theo hình thức trả chậm với số lượng trên 24 nghìn tấn phân bón trị giá trên 119 tỷ đồng giúp nông dân phát triển sản xuất. Trong hoạt động hỗ trợ vốn, đến nay đã thành lập được 171 Tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, với 7.475 hộ vay, dư nợ 581,8 tỷ đồng; thành lập 1.119 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 29.173 hộ tham gia, dư nợ đạt 715,6 tỷ đồng do Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác. Đồng thời, các cấp Hội tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân; đến tháng 10 năm 2016, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 3 cấp trong tỉnh và Trung ương ủy thác đạt 48,055 tỷ đồng cho 2.124 hộ vay. Chương trình Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với nguồn vốn 2,035 tỷ đồng đã giúp đỡ cho 77 lượt hội viên nông dân vay. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung, ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất như vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở Phù Cừ, Yên Mỹ, cây ăn quả ở Văn Giang, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên, Kim Động; chăn nuôi gia súc ở Văn Lâm, Kim Động, Ân Thi; nuôi thủy sản, gia cầm ở Tiên Lữ, Yên Mỹ... Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tiếp tục mở rộng và có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường như nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn, gà, chuối, rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP...

việc ứng dụng tiến bộ KHKT đã tạo nên những hiệu ứng tích cực góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán, của nông dân; nâng cao năng lực và trình độ thâm canh cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng; giúp nông dân định hướng sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật kinh nghiệm hay vào sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập. Đến nay toàn tỉnh có 730 trang trại, tăng gần 80 trang trại so với năm 2014, với loại hình đa dạng cả trồng trọt, chăn nuôi và trang trại tổng hợp (VAC).

Toàn tỉnh hiện có 173 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 865 mô hình kinh tế trang trại và 49 làng nghề đang hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập và từng bước cải thiện đời sống nông dân. Thực hiện được 36 cánh đồng mẫu lớn ở các huyện, thành phố với tổng diện tích 623 ha. Hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất giống lúa có hiệu quả cao, đã chuyển đổi khoảng 400 ha trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa, nâng tổng diện tích đã chuyển đổi lên 1.296 ha.

Từ hiệu quả hoạt động của phong trào 5 năm qua đã thu hút thêm được 29.857 hội viên nông dân tham gia vào tổ chức Hội; hàng năm có 92,5 % cơ sở Hội và 92,8% chi Hội đạt vững mạnh. Từ kết quả nổi bật của phong trào đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 5%, tạo thêm việc làm mới cho 2,18 vạn lao động.Vị trí, vai trò của tổ chức Hội ở nông thôn ngày càng được khẳng định góp phần to lớn trong phát triển nông nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, Ban Chấp hành Hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nông dân; phát động thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; chỉ đạo phát động đăng ký gia đình nông dân văn hóa; vận động đăng ký thực hiện trên tinh thần tự giác, tự nguyện của người dân. Phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới đã khơi dậy tinh thần đoàn kết của nông dân, hưởng ứng tích cực phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thông qua phong trào, các cấp Hội đã tuyên truyền vận động hội viên nông dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức hỗ trợ đã giúp cho 8.747 hộ nông dân thoát nghèo với số tiền trên 5,5 tỷ đồng không lãi; hơn 56 nghìn cây, con giống, các loại, trên 47 nghìn ngày công lao động, chuyển giao KHKT cho hàng ngàn hộ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định từ 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng; riêng Câu lạc bộ SXKD giỏi của tỉnh đã hỗ trợ hàng trăm các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã hiến đất và tích cực ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Song song đó, phong trào nông dân tham gia xây dựng quốc phòng - an ninh cũng được các cấp hội triển khai thực hiện. Qua đó, xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt trong giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, bài trừ các tệ nạn xã hội, các tổ nòng cốt, tổ hoà giải, tổ tự quản được phối hợp xây dựng. 

Từ thực tiễn hoạt động hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ qua cho thấy, để tổ chức hội các cấp hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững, hoạt động hội phải bám sát đường lối, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phải kết hợp nghĩa vụ đi đôi với quyền lợi, lợi ích của hội viên, với lợi ích của xã hội; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân; cán bộ hội phải có tâm huyết, năng lực và uy tín với nông dân… 

Bà Trần Thị Tuyết Hương – UVBCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch hội Nông dân tỉnh chia sẻ: để Hội Nông dân hoạt động hiệu quả, thời gian tới cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp hội, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Có giải pháp và tạo điều kiện cho hội viên nông dân được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho các hộ nông dân nghèo và cận nghèo. Định hướng tốt những mặt hàng có giá cả, đầu ra ổn định, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn.  Với  phương châm đổi mới về phương thức và hoạt động với mục tiêu tất cả vì lợi ích thiết thực của hội viên nông dân. Đó là đòn bẩy góp phần đẩy nhanh sự nghiệp xây dựng nông thôn mới./.

 

Hoàng Minh

Lượt xem: 22

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân