Bạn đang ở đây

Thiếu cơ chế kiểm tra, đánh giá kết quả tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở

(04.04.2015)

Hiện nay, việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí trở thành hình thức, trùng lắp với việc đánh giá trên một số lĩnh vực khác, tạo gánh nặng cho chính quyền cấp cơ sở, nhất là ngành tư pháp…

Nhằm bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngày 25/3, tại Hà Nội,  Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

 

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: TH)


Theo TS. Đỗ Xuân Lân, Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp: Hiện nay chưa có văn bản nào đề cập và làm rõ nội hàm của khái niệm tiếp cận pháp luật, tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, mặc dù trong chừng mực nào đó, thuật ngữ này đã được đề cập trong một số văn kiện của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước.

Lần đầu tiên tại Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 23/1/2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Quyết định đã thiết lập một Bộ công cụ với 8 tiêu chí và 41 chỉ tiêu cụ thể để chính quyền cơ sở và người dân có điều kiện tập trung đánh giá một cách có hệ thống, đồng bộ, toàn diện thực trạng tiếp cận pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất. Song nội hàm của thuật ngữ này cũng chưa được phân tích và làm rõ, ngoại trừ chỉ ra mục đích của việc đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích thực tiễn trong quá trình triển khai Quyết định 09, trong đó đi sâu vào những hạn chế, vướng mắc, liên hệ với thực trạng tiếp cận của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Thái Bình; mô hình tăng cường tiếp cận pháp luật cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số theo kinh nghiệm quốc tế…

Từ góc độ nhận thức lý luận, thể chế, chính sách đến cơ chế tổ chức thực hiện các ý kiến cho rằng, việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí trở thành hình thức, trùng lắp với việc đánh giá trên một số lĩnh vực khác, tạo gánh nặng cho chính quyền cấp cơ sở, nhất là ngành tư pháp. Trong đó, một số cấp ủy, đảng, chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Đáng chú ý, còn thiếu cơ chế kiểm tra, đánh giá kết quả; một số nơi khi tiến hành đánh giá còn qua loa, chiếu lệ dẫn đến hình thức, không thực chất. Mặt khác, chưa có cơ chế rõ ràng để nâng cao trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức có liên quan nên trong thực tiễn thực hiện rất khó huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

GS. Hoàng Thị Kim Quế, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra: Không thấy có chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân về các quyết định của chính quyền địa phương, trong khi các văn bản pháp luật này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. “Lý luận thì hay nhưng người dân lại không được thụ hưởng”, GS. Hoàng Thị Kim Quế nói.

Để bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin, tiếp cận pháp luật của người dân trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước, các đại biểu cho rằng, trước hết cần nhận diện và làm rõ nội hàm, đặc trưng của các khái niệm này, từ đó phân tích làm rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, hình thức tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; những yếu tố ảnh hưởng cũng như kinh nghiệm của một số nước về tiếp cận pháp luật nói chung.

Đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở để đánh giá đúng đắn, đầy đủ những kết quả đạt được, nhận diện đầy đủ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập và dự báo xu hướng phát triển để đề ra các giải pháp cụ thể khắc phục. Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể từ Trung ương đến địa phương và từng cơ quan, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này; huy động nguồn lực xã hội tham gia, đánh giá, kiểm tra, giám sát đối với kết quả đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…/.

 

Theo CPV

Lượt xem: 48

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân