Bạn đang ở đây

Tiếp cận khoa học kỹ thuật để hội nhập

(11.11.2016)

(Website HNDHY) - Nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ (KH- CN), nhất là việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các ngành chức năng nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHKT và công nghệ cho hội viên áp dụng vào phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn...

Trong các chương trình phối hợp, đáng ghi nhận là sự gắn kết giữa Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học - Công nghệ với nhiệm vụ “Đẩy mạnh phát triển và sử dụng công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được triển khai từ năm 2006. Từ đó đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai tốt các nội dung chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cam kết trong chương trình phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ. Trong đó, đối với công tác tuyên truyền vận động, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh quán triệt cho cán bộ, hội viên nông dân nắm được mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình phối hợp; nghị quyết 06- NQ/HND ngày 25/7/2006 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam”.

Để việc triển khai chương trình phối hợp được đồng bộ ngoài ký kết chương trình phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh cũng định kỳ phối hợp với Đài PT- TH tỉnh, Báo Hưng Yên, và các phương tiện thông tin đại chúng khác phổ biến rộng rãi các thông tin, kiến thức về khoa học công nghệ, phát hành các ấn phẩm tài liệu, ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất, đời sống kinh doanh và dịch vụ cho hội viên nông dân.

Cùng với đó, Hội thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt của hội viên nông dân ở cơ sở; củng cố, phát triển các câu lạc bộ nông dân, nêu gương các điển hình tiên tiến nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) để khuyến khích, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng các thành tựu KH-CN phù hợp với thực tế phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã... Tăng cường tổ chức các hình thức hoạt động và phổ biến các kiến thức khoa học, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thông qua phong trào nông dân SXKDG, chọn hộ đạt danh hiệu tiêu biểu, phổ biến kinh nghiệm, kiến thức sản xuất đã thực hiện có hiệu quả cho hội viên nông dân ở các cơ sở hội. Trong phong trào có nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập các doanh nghiệp loại vừa và nhỏ trong nông thôn hoặc thành lập các mô hình nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, như Hội Nông dân xã Hàm Tử (Khoái Châu) đã thành lập mô hình điểm hợp tác xã Nhãn chín muộn HYM1.1“Miền Thiết”; thành lập các loại hình hoạt động, các câu lạc bộ cùng sở thích như câu lạc bộ nuôi thả cá, ba ba,...đang bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh có 3.123 trang trại; trong đó, có 2.117 trang trại đủ tiêu chí với loại hình đa dạng cả trồng trọt, chăn nuôi và trang trại tổng hợp (VAC).

Thông qua các hội thảo, các lớp tập huấn, các hội thi kiến thức nhà nông  do các cấp Hội chủ động và phối hợp tổ chức, các kiến thức, thông tin về quy trình công nghệ, giống cây con, kỹ thuật chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ thực vật, thú y, chế biến nông sản thiết thực gắn với sản xuất, đời sống, được đông đảo hội viên, nông dân tham gia ôn luyện và ghi nhớ để vận dụng vào sản xuất ở hộ gia đình.  Định kỳ Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên thường xuyên tổ chức các hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để kịp thời động viên, khen thưởng biểu dương các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến của các cấp hội có thành tích nổi bật trong phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã  phối hợp với các ban, ngành để nâng cao nhận thức, kiến thức, vận động nông dân ứng dụng KH- CN vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Theo đó, trong 10 năm từ 2006 đến những tháng đầu năm 2016 Hội đã phối hợp chuyển giao tiến bộ KHKT với 7526 lớp, cho 571.360 lượt hội viên nông dân tham gia, tổ chức dạy nghề cho 232 lớp cho 7.891 lượt hội viên nông dân, xây dựng hàng trăm mô hình ứng dụng KH- CN trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp; đã có 663.092 lượt hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, 3 nông dân được vinh danh là: anh Phạm Năng Thành; anh Nguyễn Văn Thế, anh Hoàng Hữu Quốc. 4 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được vinh danh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu từ 2014  đến 2016.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 4 máy vi tính cho 4 Câu lạc bộ KHKT nhà nông ở 4 xã: Đình Dù (Văn Lâm), Hồng Nam (TPHY), Toàn Thắng (Kim Động), Tân Phúc (Ân Thi); tổ chức 04 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho 195 hội viên nông dân về phương pháp khai thác thông tin trên mạng Internet. Chính những thông tin về khoa học và những kiến thức thường xuyên được cập nhật thông qua máy tính bằng internet, hội viên nông dân đã tiếp cận được thị trường tiêu thụ sản phẩm, giá cả đầu vào, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến sản phẩm.

Điều đáng ghi nhận là trong tổng số hơn 80 nghìn hộ nông dân SXKDG các cấp do Hội xây dựng, đa số các hộ đã tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở nhiều mức độ khác nhau, nhờ đó đã có những thành công nhất định trong sản xuất kinh doanh. Những hạt nhân tiêu biểu cho phong trào nông dân xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ngày càng đông đảo, đa số là những hội viên SXKDG, điển hình có ông Ông Phạm Năng Thành xã Đại Tập (Khoái Châu) với mô hình trồng chuối và hoạt động bao tiêu sản phẩm cho nông dân cho thu nhập 7,5 tỷ đồng/năm; Ông Lê Quang Thắng xã Đông Tảo (Khoái Châu) với mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo cho thu nhập 3,6 tỷ đồng/năm; Ông Trịnh Kế Hạnh xã Yên Hòa (Yên Mỹ) với mô hình chăn nuôi gà lai Đông Tảo sinh sản và ấp trứng cho thu nhập 300 triệu/năm, Ông Phùng Văn Lễ ở Yên Phú (Yên Mỹ) với mô hình trồng cam đường canh cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm; bà Nguyễn Thị Thu Thủy xã Xuân Quan (Văn Giang) mô hình trồng Lan hồ điệp và hoa các loại cho thu nhập hàng tỷ đồng/hộ/năm;... nhiều mô hình mới như: mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa Bắc thơm số 7, lúa DS1 tại các xã Chính Nghĩa, Vũ Xá, Nhân La, thị trấn Lương Bằng (Kim Động); Trang trại Bống Vàng của anh Hoàng Hữu Quốc( Phù Cừ); Mô hình nuôi vịt trời tại xã Quang Vinh, Ân Thi; mô hình nuôi ếch tại xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi.

Bà Trần Thị Tuyết Hương - UVBCH Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Hiện nay các sản phẩm nông nghiệp đang phải cạnh tranh quyết liệt khi Việt Nam ra nhập TPP, do vậy chủ trương của Hội Nông dân tỉnh là đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức doanh nghiệp có liên quan, tăng cường tuyên truyền hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận với tiến bộ mới của Khoa học công nghệ để ứng dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, tạo ra các sản phẩm có năng suất cao, chất lượng, hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nông dân.

Lưu Tuấn Tú

 

UVBTV, Trưởng ban Tuyên huấn HND tỉnh

Lượt xem: 24

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân