Bạn đang ở đây

Triển vọng phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

(28.08.2015)

(Website HNDHY) - Sáng 28/8 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Đô thị thông minh: Thựa tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh…

4 vấn đề lớn trong phát triển đô thị

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho biết Việt Nam hiện có khoảng 774 đô thị lớn nhỏ, trong đó 2 đô thị đặc biệt có quy mô lớn là Thủ đô Hà Nội và TPHCM, ngoài ra còn có gần 30 đô thị tương đối lớn. Năm 2014, tổng diện tích đất tự nhiên toàn đô thị là 34.017 km2 (10,26% diện tích đất tự nhiên cả nước) với khoảng 33,6% dân số, đóng góp khoảng 60% GDP cả nước và 70% tổng thu ngân sách toàn quốc.

Do đó, quản lý đô thị là quản lý động lực phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của đô thị cũng đang đặt ra 4 vấn đề lớn cần phải giải quyết, đó là: Đô thị hóa tăng (dân số đô thị tăng, số đô thị tăng) kéo theo các vấn đề về môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…; hạ tầng lạc hậu, quá tải; cạnh tranh kinh tế gia tăng giữa các đô thị, giữa các vùng; đòi hỏi ngày càng tăng của người dân về chất lượng cuộc sống (giáo dục, y tế, chính quyền).

Giải thích về khái niệm còn tương đối mới mẻ này, người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho biết đô thị thông minh là một đô thị có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại; có nền kinh tế, môi trường, quản trị, giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục, lối sống và cộng đồng thông minh.

Ở đó, các giải pháp về công nghệ thông tin (CNTT) tiên tiến nhất được áp dụng một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, sử dụng dữ liệu thu thập được từ chính cộng đồng để liên tục hoàn thiện các chính sách, dịch vụ công của đô thị, đáp ứng tối đa các yêu cầu của đại bộ phận người dân và doanh nghiệp.

Triển vọng tại Việt Nam

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng và phát triển các đô thị thông minh. Năm 2003, chính phủ Hàn Quốc đề ra chiến lược phát triển U-Korea (Ubiquitous Korea). Năm 2007, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra và bắt đầu thực hiện một loạt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. Tháng 11/2014, Singapore công bố kế hoạch xây dựng Quốc gia thông minh. Cũng trong năm 2014, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ xây dựng đề án 100 thành phố thông minh ở quốc gia Nam Á này.

Do đó, dù còn có những bất cập nhưng các đô thị Việt Nam đã và đang được xây dựng theo hướng tiếp cận với nhiều mô hình tiên tiến, tạo ra nhiều tiền đề về ứng dụng và phát triển CNTT, viễn thông để phát triển đô thị thông minh và quản lý thông minh.

Một thuận lợi để phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam là tỉ lệ người sử dụng Internet/tổng dân số ở nước ta là khá lớn (năm 2014 đạt 43,8%, cao hơn tỉ lệ của thế giới là 42,2% và châu Á là 34,8%). Ngoài ra, Việt Nam có gần 14.000 doanh nghiệp CNTT với 500.000 lao động; doanh thu ngành công nghiệp CNTT đạt hơn 40 tỉ USD, ước tính tổng doanh thu của ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2014 là 2,97 tỉ USD.

Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý Nhà nước và các lĩnh vực đời sống xã hội, như quản lý ngân sách, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội; ứng dụng CNTT trong các ngành giáo dục, y tế, trong quản lý giao thông, đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa, đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường…

Để giải quyết 4 vấn đề đô thị đã nêu ở trên, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, các đô thị Việt Nam cần được xây dựng và phát triển theo hướng trở thành đô thị thông minh để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp môi trường sống ngày càng tốt hơn, người dân được phục vụ tốt hơn và tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam mong muốn các diễn giả tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh ở nước mình, gợi ý những vấn đề cần quan tâm liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về thực tiễn ứng dụng CNTT ở các bộ, ngành, địa phương cũng như thực trạng và khả năng phát triển các ứng dụng CNTT-viễn thông của các tập đoàn CNTT-viễn thông lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT và FPT đang và sẽ phục vụ phát triển các đô thị thông minh ở Việt Nam.

Sau Hội thảo này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan đồng tổ chức Hội thảo sẽ phối hợp kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

Theo chinhphu.vn

Lượt xem: 1 lần xem

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân