Bạn đang ở đây

Việt Nam sản xuất thành công viên sủi curcumin

(06.04.2018)

(Website HNDHY) - Lần đầu tiên, các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng thành công công nghệ hướng đích vào hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên (curcumin - chiết xuất từ củ nghệ vàng) nhằm phát triển sản phẩm đặc hiệu trong trị bệnh dạ dày và trào ngược.

Ngày 5/4,  tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đột phá công nghệ hướng đích trong điều trị bệnh dạ dày, trào ngược". Đây là kết quả mô hình liên kết Viện -Trường - Doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, Tiến sỹ Lê Thị Thu Hường, Khoa Y Dược - Trưởng nhóm nghiên cứu thiết kế và phát triển thuốc mới VSL (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, curcumin là thành phần tinh túy nhất, chịu trách nhiệm các tác dụng sinh học của củ nghệ vàng. Curcumin có rất nhiều tác dụng quý báu đã được khoa học và thực nghiệm chứng minh, trong đó có tác dụng lên bệnh lý viêm, loét dạ dày và trào ngược là tiêu biểu hơn hẳn như ngăn ngừa tiết axit, tạo lớp chất nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày, kháng viêm, lành vết loét.

Tiến sỹ Hường cũng chỉ rõ, hiện nay việc phát triển thuốc mới phải tối ưu đồng thời: tác dụng, độ hấp thu và tính an toàn. Do đó, công nghệ hướng đích là một phương pháp khoa học để đưa các loại thuốc đến các tế bào bị bệnh, một cách chọn lọc, không ảnh hưởng đến tế bào lành.

Hiện nay, công nghệ này được ứng dụng vào các thuốc tổng hợp, tạo ra một thế hệ thuốc mới trong điều trị ung thư, để giảm tác dụng phụ của thuốc, giảm liều và tăng hơn nữa hiệu quả điều trị.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch nhóm nghiên cứu thiết kết và phát triển thuốc mới VSL, sau 3 năm nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khoa Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm nano và năng lượng (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Dược Hà Nội đã ứng dụng thành công công nghệ hướng đích vào hoạt chất curcumin, chiết xuất từ củ nghệ vàng.

Sản phẩm viên sủi curcumin hướng đích sẽ phát huy tối đa các tác dụng đối với nhiều vị trí viêm loét trên niêm mạc dạ dày. Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai sau Mỹ sản xuất thành công viên sủi curcumin.

Theo PGS.TS Hải, để phát huy tối đa hiệu quả của curcumin hướng đích, việc lựa chọn dạng bào chế phù hợp để đem lại hiệu quả nhanh nhất, an toàn nhất và phù hợp nhất với đa số người sử dụng cũng rất quan trọng. Các nhà khoa học đã đạt được dạng bào chế các tiêu chí này là viên nén dạng sủi.

Viên sủi curcumin được bào chế dưới dạng viên sủi bọt giúp hoạt chất thẩm thấu vào máu nhanh chóng, gần như được hấp thu ngay do người dùng hòa tan viên sủi trong nước trước khi dùng, không phải trải qua các quá trình “rã-tan” trong cơ thể như viên nén.

Ở dạng bào chế sủi, các hạt curcumin hướng đích sẽ được phân tán đều trong dung dịch và đến được các vị trí khó trên đường tiêu hóa như hang vị, bờ cong… để phát huy tác dụng và giảm kích ứng niêm mạc dạ dày. "Hơn nữa, ở dạng sủi cũng là dạng bào chế ưu việt nhất để ổn định kích thước hạt curcumin siêu nhỏ, giúp tăng độ hấp thu curcumin vào cơ thể," tiến sỹ Hường phân tích.

Thành công của việc ứng dụng công nghệ hướng đích vào curcumin được đánh giá là bước đột phá của y dược học Việt Nam. 

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh đầu tiên con người mắc phải, từ khoảng 3.000 năm trước công nguyên.

Theo Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, khoảng 70% dân số có nguy cơ bị đau dạ dày; 20% dân số Việt Nam mắc bệnh đau dạ dày và con số này đang không ngừng tăng, ước tính mỗi năm tăng khoảng 0,2%.

Viêm loét dạ dày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có ung thư dạ dày./.

 

Theo dangcongsan.vn

Lượt xem: 4

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân