Bạn đang ở đây

"Vua" nghệ Chí Tân

(26.09.2017)

(Website HNDHY) - Với niềm đam mê và sự quyết tâm làm giàu từ củ nghệ - sản vật truyền thống của xã Chí Tân (Khoái Châu), những năm qua, chàng thanh niên 8x Hoàng Quang Đông đã vượt qua khó khăn, làm giàu nhờ nghệ và được người dân địa phương ưu ái gọi là “vua” nghệ Chí Tân.

Khởi nghiệp gian nan

Sinh năm 1980 ở thôn Tân Hưng, xã Chí Tân, ngay từ khi còn nhỏ, cây nghệ đã trở nên thân quen với anh Đông bởi trong vườn, ngoài đồng, bãi đâu đâu người dân cũng trồng nghệ. Nhưng lúc đó nghệ chỉ được xem như một loại gia vị trong nấu ăn và có giá chỉ vài nghìn đồng một cân, vì thế, thu nhập từ trồng nghệ chỉ cao hơn cấy lúa chứ khó có thể làm giàu. 

Học hết lớp 9, anh Đông theo người trong làng đi làm gạch ở ngoại tỉnh rồi chuyển sang lái máy xúc, lái xe tải chở hàng thuê từ các tỉnh miền núi về miền xuôi. Trong những chuyến hàng xa, sản phẩm mà anh Đông chở nhiều nhất là củ sắn sấy khô, anh thấy nhiều bà con trên vùng cao có thể thoát nghèo và làm giàu được nhờ trồng và chế biến loại nông sản này. Anh liền nghĩ ngay đến ý tưởng áp dụng cách sấy củ sắn để sấy nghệ. Nghĩ là làm, năm 2008, anh thuê 2 mẫu ruộng trồng nghệ, rồi sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng... 

Thế nhưng, những mẻ nghệ sấy thủ công đầu tiên miếng cháy, miếng sống. Lò sấy bị đập đi xây lại nhiều lần nhưng vẫn cho kết quả không ưng ý. Sau 3 tháng với nhiều lần thử nghiệm, anh mới thu được những mẻ nghệ khô đạt chất lượng. Làm ra được sản phẩm ưng ý thì anh Đông lại vấp phải khó khăn trong việc tiêu thụ. Hàng chục lô nghệ sấy khô tồn đọng không có người mua. 

May mắn đến với anh Đông vào năm 2010 khi anh ký được hợp đồng xuất khẩu trên 80 tấn nghệ khô thái lát sang Ukraina. Rồi những chuyến đi đến các nước Ấn Độ, Đông Âu… nơi người dân sử dụng nghệ mỗi ngày, anh mới thấy củ nghệ có nhiều giá trị dinh dưỡng, chứ không đơn thuần chỉ là một loại gia vị nấu ăn. Tiếp xúc với những doanh nghiệp, nhà máy sản xuất tinh bột nghệ lớn hiện đại, anh thấy tiềm năng với củ nghệ ở quê hương còn rất lớn. Cơ hội mở ra trước mắt, năm 2011, anh Đông vay vốn ngân hàng thành lập Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên và đầu tư, mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ sạch.

Giống như nghệ sấy khô, ban đầu, tinh bột nghệ do công ty của anh Đông sản xuất không được chào đón do có giá thành cao gấp 1,5 – 2 lần so với tinh bột nghệ sản xuất thủ công. Đích thân anh Đông phải chở từng thùng hàng trên xe máy đến các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc để giới thiệu, ký gửi sản phẩm. Dần dần, tinh bột nghệ Hoàng Minh Châu đã chinh phục được khách hàng bằng chất lượng và mẫu mã vượt trội so với những sản phẩm tương tự.

Khi các sản phẩm nghệ của anh Đông bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường và ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng thì một biến cố nữa lại xảy ra. Năm 2015, xưởng sản xuất và nhà kho chứa hơn 30 tấn nghệ khô thái lát của anh Đông bị cháy rụi, thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng.

Trở thành “vua” nghệ Chí Tân

Một lần nữa, anh Đông lại khởi động lại hành trình làm giàu từ nghệ bằng việc vay mượn, xây dựng lại nhà xưởng sản xuất rộng 700m2 với hệ thống máy móc sản xuất nghệ hiện đại được nhập khẩu hoặc thuê gia công ở Đài Loan. Là người đầu tiên và duy nhất ở Chí Tân đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ, anh Đông tập trung sản xuất 3 mặt hàng chủ lực là: nghệ khô thái lát, nghệ bột khô và tinh bột nghệ. Trong đó, anh sử dụng 100% nghệ Chí Tân làm nguyên liệu sản xuất tinh bột nghệ do chất lượng nghệ vùng này được đánh giá hàng đầu trong nước.

Nghệ tươi sau khi thu hoạch được rửa sạch bằng hệ thống máy làm bằng cước, khi chà vào củ nghệ sẽ làm sạch toàn bộ vỏ nghệ, bụi bẩn và một phần dầu, nhựa bám trên củ nghệ. Sau đó, củ nghệ sẽ được cho vào máy thái lát rồi sấy để cho ra nghệ khô thái lát, hoặc nghiền nhỏ để cho ra bột nghệ khô. 

Đối với tinh bột nghệ, sau khi rửa sạch, nghệ tươi sẽ qua máy nghiền chuyên dụng, bã nghệ và tinh nghệ được tách riêng hoàn toàn giúp thời gian thu được tinh bột nghệ được rút ngắn, bảo đảm lượng chất curcumin quý giá trong nghệ không bị hao hụt nhiều. Sau đó, tinh bột nghệ sẽ được lắng lọc và đưa vào phòng sấy lạnh ở nhiệt độ 16 – 18oC rồi đưa vào tủ sấy ở nhiệt độ từ 25 – 27oC rồi mới đóng gói và đưa đi tiêu thụ.

Năm nay, công ty của anh Đông cho ra thị trường khoảng 300 tấn nghệ khô và 20 tấn tinh bột nghệ. Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm còn được xuất sang Đông Âu, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, các quốc gia Trung Đông... Với giá bán trung bình 80.000 đồng/kg nghệ khô và 800.000 – 1.000.000 đồng/kg tinh bột nghệ, doanh thu mỗi năm của công ty khoảng 40 - 50 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí cho lãi trên 3 tỷ đồng.

Nói về kế hoạch sắp tới, anh Đông hào hứng chia sẻ: “Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm nghệ đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Ngoài ra, hiện tại tôi đang ấp ủ dự định sản xuất thêm một số sản phẩm mới liên quan đến nghệ, như sản xuất phân vi sinh, thức ăn chăn nuôi giá rẻ từ bã nghệ. Để đáp ứng quy mô sản xuất ngày một mở rộng, ngoài việc mỗi năm nhập 200 - 300 tấn nghệ cho người dân Chí Tân, tôi còn hỗ trợ nông dân các huyện khác trong tỉnh và nông dân một số tỉnh như Thanh Hóa, Bắc Ninh về nghệ giống, khoa học kỹ thuật trồng nghệ và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nghệ tươi”.

Với những nỗ lực không ngừng của mình, năm 2016, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu của anh Đông vinh dự được nhận khen thưởng của UBND tỉnh về có thành tích sản xuất trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2016; năm 2017, anh Đông cùng sản phẩm tinh bột nghệ được nhận danh hiệu “Doanh nhân xuất sắc 3 miền” và “Doanh nghiệp xuất sắc 3 miền”…

 

Theo baohungyen.org

Lượt xem: 28

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân