Bạn đang ở đây

Vượt qua tật nguyền làm giầu chính đáng

(19.12.2016)

(Website HNDHY) - Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Đức Thắng có nhiều bước phát triển, tác động tích cực đến đời sống của cán,bộ hội viên nông dân; góp phần vào nâng cao đời sống, vươn lên khá, giầu thông qua việc xây dựng được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.

Cũng từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tầm gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Thực và Chị Trần Thị Cộng thôn Lạc Dục, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Học xong phổ thông trung học  anh lên đường nhập ngũ, sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh được nhận vào làm việc tại xí nghiệp sản xuất gạch gần nhà; do sơ xuất nhỏ, anh đã bị máy gạch cướp đi một cánh tay trái. Bao nhiêu ước mơ, hoài bão tưởng như không còn. May thay, anh được cô bạn gái cùng thời niên thiếu đồng cảm, cùng anh chia sẻ động viên, an ủi những lúc vui, buồn; đến năm 2000 anh chị đã kết hôn trở thành vợ chồng, rồi sinh con, bươn trải đủ nghề để kiếm tiền nuôi con khôn lớn; vợ chồng anh Thực đã trải qua bao gian nan, khổ cực, loay hoay tìm kiếm nghề sinh nhai để vươn lên thoát khỏi cái nghèo.

Năm 2003, thực hiện chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi những khu ruộng trũng cấy lúa năng xuất thấp sang phát triển kinh tế trang trại. Gia đình anh Thực được chuyển đổi hơn 1 ha đất ruộng, anh đầu tư trên 10 triệu đồng vào xây dựng chuồng trại để chăn nuôi và phát triển kinh tế.  Ban đầu chỉ có 1 dãy chuồng với  5 con lợn nái. Đến nay gia đình anh đã có 4 dãy chuồng   với quy mô gần 400 con (trong đó có 50 con nái và trên 350 con lợn thịt). Quy mô trang trại được xây dựng, quản lý một cách khoa học. Khu chuồng lợn được chia thành nhiều dãy riêng biệt để tiện chăm sóc gồm: Một dãy nuôi lợn nái mang thai, dãy nuôi lợn nái đẻ và hai dãy chuồng chăn nuôi lợn thịt thương phẩm.

Tuy nhiên để “Chinh phục” vùng đất “chiêm khê, mùa thối”, vợ chồng anh đã trải qua nhiều khó khăn vất vả, thậm chí cả thất bại do chưa am hiểu về kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn. Bằng sự ham học hỏi, sáng tạo trong cách làm ăn mới, gia đình anh đã thành công khi biết quy hoạch và áp dụng khoa học, kỹ thuật chăn nuôi. Để lợn không bị mắc bệnh, anh luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, do vậy đàn lợn của gia đình luôn sinh trưởng, phát triển tốt.

Qua trao đổi về bí quyết thành công trong quá trình chăn nuôi anh mạnh dạn chia sẻ:“Để nuôi lợn thịt với quy mô lớn như ngày hôm nay, tôi đã tích cực học tập các kiến thức chăn nuôi từ trên sách, báo, trên kênh truyền hình VTV2, trên mạng internet của các Trung tâm khuyến nông và được tập huấn của Hội Nông dân các cấp, kết hợp học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của một số bà con nông dân trong huyện, đồng thời qua thực tế chăn nuôi của gia đình để có những kinh nghiệm trong nuôi lợn trước hết là phải tránh được dịch bệnh, vì thế phải phát hiện và điều trị bệnh sớm và kịp thời cho lợn khi mắc phải để trách dịch bệnh lây lan sang cả đàn. Điều quan trọng nữa là khi mua lợn giống về trang trại trước hết phải tiêm phòng đủ 2 liều  vác xin kép và 2 liều vác xin Leptô để phòng chống bệnh nghệ cho lợn. Thường thì lợn thịt hay mắc các bệnh phổ biến như hen, xuyễn, tiêu chảy, tụ huyết trùng...Tôi đều được cán bộ thú y tư vấn, giúp đỡ và chủ động mua thuốc về chữa trị, đã giảm thiểu tối đa số lợn bị chết do bệnh dịch gây nên.

 Vào thăm trang trại, thấy gia đình anh Thực đã đầu tư hệ thống chuồng trại khoa học. Đàn lợn nái luôn được anh chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng lợn giống tốt nhất; lợn thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi tuần một lần anh phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại; định kỳ mỗi tháng hai lần anh phun thuốc khử mùi bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh. Để có nguồn thức ăn đảm bảo, anh ký hợp đồng chặt chẽ với hãng thức ăn gia súc có uy tín. Nhờ vậy mà trang trại chăn nuôi của gia đình anh luôn phòng tránh được dịch bệnh, lợn giống và lợn thương phẩm bán được giá bởi thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng vào chất lượng.

Với sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm dám nghĩ, dám làm, gia đình anh Thực đã rất thành công với mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Mỗi năm cho khoảng 1.000- 1.200 con lợn giống và xuất bán khoảng 60- 65 tấn lợn thịt, thu lãi từ 450- 500 triệu đồng; số lợn giống còn lại là 400- 500 con, sau thời gian khoảng 24- 25 ngày xuất bán, với giá hiện tại 1,5 triệu đồng/con trừ chi phí mỗi con cũng cho lãi từ 500-600 nghìn đồng, đưa thu nhập từ nuôi lợn giống lãi ước tính trên 400 triệu đồng/năm. Tổng doanh thu bình quân của trang trại đạt tới trên 800 triệu đồng/năm…

Từ mô hình kinh tế này, gia đình anh đã tạo công ăn việc làm cho 5 đến 7 lao động thời vụ ở địa phương. Đồng thời luôn tận tình hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật Chăm sóc và phòng trị bệnh cho lợn nái và lợn thịt cho các hộ nông dân trong chi Hội, giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Giàu nghị lực, vượt khó vươn lên: anh Nguyễn Văn Thực đã đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp trong nhiều năm liền và được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Trần Thị Nhuần

 

Phó Chủ tịch HND huyện Tiên Lữ

Lượt xem: 15

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân