Bạn đang ở đây

Tọa đàm “Các vấn đề chính sách liên quan đến sinh kế của người nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế”

(23.11.2015)

(Website HNDHY) - Sáng ngày (18/11), tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân VIệt Nam tổ chức tọa đàm “Các vấn đề chính sách liên quan đến sinh kế của người nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng chủ trì với sự tham dự của các chuyên gia đến từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm thế giới (ICRAF), Tổng cục Nông nghiệp…

Mục tiêu của Tọa đàm nhằm chia sẻ thông tin về tiến trình hội nhập của Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp, những cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp và nông dân, Trên cơ sở đó, xác định các vấn đề chính sách cần ưu tiên nghiên cứu trong thời gian tới để từ đó có các kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh, tham gia vào khu vực thương mại tự do hiệu quả. Đồng thời có những chính sách phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi cho nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hội nhập quốc tế, nông sản Việt nam sẽ có cơ hội được xuất sang nhiều nước, nhưng bên cạnh đó, nông sản của các nước khác cũng sẽ nhập khẩu nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Nếu ngành nông nghiệp và người nông dân không được chuẩn bị kỹ để hội nhâp, không có những chính sách và cơ chế vận hành phù hợp, mở cửa thị trường và thương mại tự do sẽ khiến sản phẩm nội địa có thế bị thua ngay trên sân nhà và sinh kế của nông dân sản xuất nhỏ cũng sẽ bị tác động mạnh.
Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng nhận định:  Một trong những khó khăn đối với nông nghiệp và nông dân là sản xuất quy mô nhỏ, lao động nông nghiệp hầu như chưa được đào tạo nghề, hạn chế về trình độ lao động và áp dụng kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Điều đó dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm có sức cạnh tranh thấp. Trong khi đó, môi trường chính sách vẫn chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ. Việc thực hiên còn lỏng lẻo, thiếu các chế tài và biện pháp thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, những rào cản kỹ thuật như “ biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS)” có thể là rào cản ngăn chặn khả năng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường các nước.

Bà  Phạm Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Hợp tác Kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng: “Thách thức đối với ngành nông nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP bao gồm: thiếu công nghệ tiên tiến,  đặc biệt là công nghệ kỹ thuật thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh; thiếu thông tin, nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường thế giới, thị trường nhập khẩu và thị trường trong nước; hạn chế trong việc vận dụng công cụ hữu ích trong thương mại quốc tế nhằm tái lập công bằng thương mại và giải quyết tranh chấp.

Trước những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, tại buổi toạn đàm, các đại biểu cũng chia sẻ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới, tư vấn chương trình “Tam nông” đề xuất:  Muốn xây dựng chính sách cho sinh kế nông dân trong quá trình hội nhập cần lưu giữ, bảo tồn và phát triển các loại gien quý để có nông sản thế mạnh độc chiếm trong cạnh tranh.  Đầu tư dự án dài hạn với quy mô vừa và nhỏ ở làng xã, tiểu vùng..  về giữ gien. Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp, cải tạo chuồng trại; bán đúng giá thành thuốc thú y, phòng trừ dịch bệnh, kiểm dịch, tẩy dịch định kỳ không thu phí; thu mua bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng. Đồng thời quy hoạch vùng trồng dược liệu ở xứ lạnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Lê Văn Khôi, Phó trưởng ban Tuyên Huấn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Để giải quyết vấn đề quy mô sản xuất nhỏ, nhà nước cần tập trung nghiên cứu các chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tích tụ ruộng đất là một biểu hiện về quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, phát triển các loại cây trồng thâm canh cao và để sản xuất nông sản hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Cũng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn chia sẻ: Cần tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng tăng giá trị gia tăng và đảm bảo giá trị bền vững. Đây là hai vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ biến đổi khí hậu cũng như việc tham gia vào hiệp định thương mại. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp cần có sự tác động đồng bộ của các ngành khác đặc biệt là công nghiệp, dịch vụ. Phải làm sao để công nghiệp, dịch vụ phải tạo thành lực hút lao động ra khỏi nông nghiệp, có được mức thu nhập cao, sinh kế bền vững, phúc lợi ổn định để họ sẵn sàng chuyển nhượng đất lại cho các hộ nông dân khác, đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tham khảo các nước trong việc hoạch định chính sách hỗ trợ nông dân. Theo đó, hỗ trợ thương mại cho nông dân thông qua các chính sách giá sàn, thu mua tạm trữ và bù đắp cho  người nông dân khi giá thành nông sản giảm.
Đề xuất các chính sách hỗ trợ việc sản xuất quy mô lớn trong quá trình hội nhập, bà Hoàng Thị Lụa, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm thế giới (ICRAF) cho rằng: cần hỗ trợ việc thiếp lập các hợp tác xã, nhóm sản xuất. nâng cao năng lực quản lý, vận hành hợp tác xã, tổ sản xuất; đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thông tin dự đoán thị trường, tăng cường khả năng tiếp thị sản phẩm. Mặt khác, cần tăng cường các hệ thống tín dụng, phát triển thương hiệu cho nông , lâm sản.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng tiếp thu các đóng góp, kiến nghị của đại biểu để tiếp tục nghiên cứu và đề xuất lên Chính phủ nhằm đảm bảo lợi ích tối đa, bền vững cho nông dân.

 

Theo hoinongdan.org.vn

Lượt xem: 10

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân