Bạn đang ở đây

Hoa Cúc Nghĩa Trai

(15.01.2016)

(Website HNDHY) - Thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm) vốn nổi tiếng trong cả nước với nghề trồng, chế biến dược liệu. Ở đây có tới cả trăm loại cây dược liệu khác nhau được người dân gieo trồng, chế biến thành các vị thuốc nam dùng chữa bệnh cứu người. Thế nhưng vị thuốc tốt và cũng là loài hoa đẹp Kim Cúc (người dân nơi đây gọi là hoa Cúc) chính là cây thuốc đặc trưng riêng của làng nghề này. Hoa Cúc có thể được sử dụng trực tiếp như trà thảo dược hoặc trở thành một vị trong các bài thuốc nam, thuốc bắc. Hoa Cúc có vị đắng, hơi ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có thể sử dụng để chữa các bệnh hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, cao huyết áp… 

Do có nhiều diện tích đã chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp nên diện tích đất nông nghiệp của thôn hiện chỉ còn trên 37 ha. Tuy giảm mạnh về diện tích nhưng nông dân trong thôn đã không ngừng áp dụng các biện pháp canh tác mới, tăng khả năng quay vòng của đất để duy trì diện tích trồng hoa Cúc khá ổn định với gần 20 ha. 

Thời gian này nông dân đang thu hoạch rộ hoa Cúc. Màu vàng rực rỡ của hoa Cúc phủ kín các cánh đồng và cả trong làng. Trên các cánh đồng, những luống hoa Cúc đang nở rộ khoe sắc vàng cùng với không khí tấp nập, rộn ràng trò chuyện của những người thu hái hoa. 

Trong làng, bất kể chỗ đất trống, khoảng sân nào cũng được tận dụng để phơi hoa. Từ sân đình, sân, hiên nhà, đến những khu đất trống vốn là chỗ chơi của đám trẻ trong làng hay những thửa ruộng đã gặt xong cũng được người dân dọn cỏ, san gạt phẳng nền để trải bạt phơi hoa. Tiết trời nắng hanh khô của những đợt gió mùa đông bắc được người dân tận dụng tối đa để phơi nhằm bảo quản hoa Cúc trong thời gian dài.

Ngoài lực lượng lao động tại chỗ, thời điểm này, hàng ngày, thôn Nghĩa Trai thu hút thêm hàng trăm lao động từ các thôn, xã lân cận tới làm thuê. Chính vì vậy, đối với người dân Nghĩa Trai, mùa hái hoa Cúc mới chính là lúc vào mùa chính trong năm. Từ sáng sớm tới tối mịt, không kể ngày nắng hay mưa, ấm hay rét, mọi người đều tấp nập ra đồng hái hoa. Bữa ăn trưa vội vàng, thậm chí được ăn ngay tại ruộng cho thấy nhịp độ lao động khẩn trương ở Nghĩa Trai vào mùa thu hoạch hoa Cúc. 

Ông Nguyễn Văn Hợp, một hộ trồng hoa Cúc lâu năm ở làng chia sẻ: Nếu gặp tiết trời ấm, hoa Cúc nở rất nhanh, nếu không thu hái kịp thời hoa sẽ bị đen, bông nhẹ hơn và khi sơ chế sản phẩm có màu không đẹp. Nếu gặp mưa rét, bông hoa không nở bung hết mà bị lép và màu xám lại. Do vậy, chúng tôi phải tranh thủ từng giờ từng phút để thu hái. Nhà tôi thường xuyên trồng khoảng 3 sào hoa Cúc mỗi năm. Đến khi thu hoạch chúng tôi thường hái đổi công với các gia đình khác hoặc thuê thêm người. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào vụ thu hái hoa Cúc là vợ chồng tôi lại ăn trưa ngay tại ruộng để tiết kiệm thời gian.

Để sơ chế hoa Cúc, người dân Nghĩa Trai sử dụng hơi lưu huỳnh để xông (sấy) cho bông hoa mềm, các cánh hoa có độ kết dính không rời sau đó phơi dưới trời nắng hanh hoặc gió bắc khô. Dùng bàn tay nắm chặt một nắm vừa đủ khi mở tay ra, nếu các bông hoa rời nhau thì lúc đó là lúc hoa Cúc đã đạt độ khô vừa đủ có thể cất bảo quản. Việc bảo quản hoa Cúc khô cũng lắm công phu, cầu kỳ. Hoa Cúc sau khi đạt độ khô vừa đủ sẽ được để tại nơi thoáng gió trong một vài giờ sau đó được cho vào bao ni-lông trắng bọc kín rồi bọc thêm một lớp bao dứa để chống ẩm, chống mốc. Nếu bảo quản tốt, hoa Cúc khô có thể giữ màu, giữ vị đến vài năm.

Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học công nghệ, việc sấy hoa Cúc cũng được thay đổi cho phù hợp nhằm hạn chế tác động của thời tiết và nâng cao chất lượng sản phẩm hoa Cúc sau thu hái cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Những lò sấy hoa Cúc bằng than củi, lò hơi ra đời thay thế những cót sấy bằng hơi lưu huỳnh.

Ông Nguyễn Thế Viễn, là một trong những hộ của thôn đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp sơ chế hoa Cúc nói riêng và dược liệu nói chung bằng các công nghệ tiên tiến. Hiện nay, gia đình ông đã đầu tư xây dựng lò hơi phục vụ việc sấy khô hoa Cúc. Ông Viễn chia sẻ: Hoa Cúc sấy bằng lò hơi có mẫu mã đẹp lại bảo đảm giữ được các dược tính quý của hoa Cúc. Do vậy, giá bán cao hơn so với các loại hoa Cúc sấy bằng các phương pháp khác từ 10 – 20%. Ngoài ra, sử dụng lò hơi thay thế lò than hay cót sấy bằng lưu huỳnh cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đã từ nhiều năm nay, gia đình tôi trở thành địa chỉ cung cấp hoa Cúc cho các công ty sản xuất đông dược lớn trên cả nước.

Hoa Cúc thường được trồng từ khoảng tháng 6 đến tháng 8 âm lịch và thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 12 âm lịch. 

Bà Đỗ Thị Lệ, trưởng thôn Nghĩa Trai cho biết: Thôn có gần 500 hộ dân thì trên 90% số hộ tham gia trồng, sơ chế hoa Cúc. Trồng hoa Cúc tuy vất vả nhưng đem lại thu nhập khá cho nông dân trong thôn. Trung bình mỗi sào hoa Cúc cho thu hoạch 70 kg hoa khô (tương đương với trên 450 – 500 kg hoa Cúc tươi). Hiện nay, giá thu mua hoa Cúc đang ở mức 150 – 200 nghìn đồng/kg hoa khô, trừ chi phí mỗi sào cho thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/sào/năm. 

Ngoài bán hoa khô, năm nay, một số hộ sơ chế dược liệu trong thôn đã tiến hành thu mua hoa Cúc tươi với giá mua trung bình 20 nghìn đồng/kg. Điều này đã hỗ trợ người trồng hoa Cúc đỡ lo lắng khi thời tiết không thuận lợi cho việc hong phơi hoa Cúc như: Mưa, độ ẩm không khí cao; từ đó giúp người trồng hoa Cúc trong thôn yên tâm hơn mỗi khi hoa Cúc vàng rực cánh đồng.

Theo baohungyen.org.vn

Lượt xem: 33

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân