Bạn đang ở đây

Kế hoạch số 100-KH/HNDT "Tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023"

(19.05.2017)

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

BCH HỘI NÔNG DÂN TỈNH HƯNG YÊN

*

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số 100-KH/HNDT

Hưng Yên, ngày 25 tháng 4 năm 2017

                                                                                   KẾ HOẠCH

Tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu

Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023

 

Căn cứ Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VI;

Thực hiện Kế hoạch số 190-KH/HNDTW, ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023;

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 24/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên lần thứ IX nhiệm kỳ 2018 - 2023; Thông báo số 550-TB/TU, ngày 03/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2018 - 2023;

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2018-2023, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đại hội Hội Nông dân các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của các cấp Hội và giai cấp nông dân, nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết đại hội trong nhiệm kỳ qua; xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong thời kỳ mới.

2. Thông qua đại hội, nâng cao nhận thức, tăng cường đoàn kết, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, trí tuệ của cán bộ, hội viên, nông dân; đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, mô hình tổ chức của Hội, phát triển tổ chức Hội vững mạnh nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Hội; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân.

3. Công tác nhân sự đại hội và cơ quan lãnh đạo Hội các cấp phải thực hiện đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa và phát triển.

Bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu và số lượng được phân bổ gồm những đồng chí tiêu biểu, đại diện cho trí tuệ của tổ chức Hội, có khả năng đóng góp vào sự thành công của đại hội.

4. Việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Hội Nông dân các cấp phải nghiêm túc, trang trọng, đúng tiến độ, coi trọng chất lượng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và cán bộ Hội các cấp trước đại hội và phong trào nông dân trong tỉnh.

II. NỘI DUNG, CÔNG TÁC CHUẨN BỊ VÀ TIẾN HÀNH ĐẠI HỘI

1. Nội dung Đại hội Hội Nông dân các cấp

Đại hội Hội Nông dân các cấp thực hiện 4 nội dung sau:

- Tổng kết thực hiện nghị quyết của đại hội nhiệm kỳ qua; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ tới; kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ.

- Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội Hội Nông dân cấp trên theo hướng dẫn của Trung ương Hội và dự thảo văn kiện đại hội Hội Nông dân cấp trên trực tiếp. Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.

- Bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2018 - 2023.

- Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đại biểu Hội Nông dân cấp trên trực tiếp.

2. Xây dựng và tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện đại hội

2.1. Về chuẩn bị các văn kiện đại hội

Văn kiện của Ban Chấp hành trình đại hội gồm: Báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ và dự thảo nghị quyết đại hội.

- Báo cáo chính trị:

+ Đánh giá đúng thực trạng tình hình nông dân, hoạt động xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ qua; khẳng định những đóng góp của hội viên, nông dân và tổ chức Hội; nêu rõ những khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm. Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là các chương trình, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, gắn kết quả thực hiện với việc triển khai, tổ chức thực hiện Điều lệ Hội và các nghị quyết của Hội cấp trên. 

+ Phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 - 2023: Dự báo bối cảnh, những cơ hội và thách thức, khó khăn trong 5 năm tới như biến đổi khí hậu; vấn đề môi trường; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với vật tư nông nghiệp; vấn đề tiêu thụ sản phẩm; trình độ nhận thức, kiến thức, kỹ năng tay nghề của nông dân; vấn đề tổ chức sản xuất, tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… tác động tới giai cấp nông dân, công tác Hội và phong trào nông dân.

Cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Kết luận 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”; Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020; Thông báo số 378-TB/TU ngày 11/10/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về một số nhiệm vụ của Hội Nông dân tỉnh trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2020; về yêu cầu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và 3 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hội: (1) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; (2) Tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; (3) Xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp để tích tụ ruộng đất theo mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm.

Bám sát nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân để xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, đi sâu vào 3 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hội nhằm đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân; giúp hội viên, nông dân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy được vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

- Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành: Gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cần đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn; căn cứ chương trình công tác toàn khoá và quy chế hoạt động của ban chấp hành để đánh giá đúng mức kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; ý thức trách nhiệm của các uỷ viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm và hạn chế; đề ra biện pháp và lộ trình khắc phục.

- Dự thảo nghị quyết đại hội: Trên cơ sở báo cáo chính trị, Ban Chấp hành các cấp xây dựng dự thảo nghị quyết đại hội gồm những nội dung cơ bản, quan trọng, thể hiện rõ phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để đại hội thảo luận, quyết định.

- Các văn bản khác: Diễn văn khai mạc, bế mạc, các bài phát biểu tham luận, chương trình điều hành đại hội, … cần được phân công chuẩn bị chu đáo.

2.2. Thảo luận các dự thảo văn kiện của đại hội

- Đối với Hội Nông dân cấp tỉnh: Sau khi Hội Nông dân các huyện, thành phố báo cáo tổng hợp ý kiến đối với dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII (Báo cáo chính trị và Điều lệ Hội bổ sung, sửa đổi), Hội Nông dân tỉnh tổng hợp thành báo cáo chung xin ý kiến Đại hội Hội Nông dân cấp tỉnh, sau đó tổng hợp ý kiến tại Đại hội gửi về Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

- Đối với Hội Nông dân cấp huyện: Tổ chức hội nghị Ban Chấp hành cấp huyện mở rộng để xin ý kiến đối với dự thảo văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc và dự thảo báo cáo chính trị của đại hội cấp tỉnh, sau đó tổng hợp ý kiến gửi về Hội Nông dân tỉnh. Tại đại hội cấp huyện, tập trung thảo luận báo cáo chính trị của đơn vị (có thể tổ chức thảo luận báo cáo chính trị đại hội cấp tỉnh trước đại hội như cách làm của đại hội cấp tỉnh đối với văn kiện đại hội toàn quốc).

- Đối với Hội Nông dân cấp xã:Tại đại hội, tập trung thảo luận báo cáo chính trị của đơn vị; đồng thời thảo luận góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị của đại hội cấp huyện, sau đó tổng hợp ý kiến gửi đại hội cấp huyện (cũng có thể tổ chức thảo luận trước rồi báo cáo tại đại hội, sau đó tổng hợp ý kiến gửi đại hội cấp huyện).

3. Về chuẩn bị nhân sự và tiến hành bầu cử cơ quan lãnh đạo Hội Nông dân các cấp

3.1. Yêu cầu

- Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cơ quan lãnh đạo Hội Nông dân các cấp phải bám sát quy định của Đảng, Nhà nước; thực hiện đúng Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, quy chế, quy định hướng dẫn của cấp trên về công tác cán bộ; phải đảm bảo dân chủ, công khai.

- Tiến hành công tác nhân sự Ban Chấp hành phải đảm bảo quy trình công tác cán bộ, có cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa và phát triển, công tâm, khách quan trong lựa chọn; chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố điển hình, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

3.2. Về tiêu chuẩn

Lựa chọn, giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành các cấp căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá và tiêu chuẩn của từng chức danh theo quy định. Cụ thể là:

- Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. 

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; có ý thức tổ chức kỷ luật; trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nông dân, được nông dân tín nhiệm.

- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

Trong đó cần nhấn mạnh các điều kiện: Am hiểu về tổ chức Hội, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có sức khỏe, có khả năng lãnh đạo, quản lý, quy tụ, đoàn kết cán bộ, vận động, tập hợp hội viên, nông dân; có khả năng cụ thể hoá nghị quyết của Đảng, nghị quyết Hội Nông dân các cấp phù hợp với công tác Hội và phong trào nông dân của địa phương; mạnh dạn đổi mới, nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tích cực, chủ động bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân, có khả năng huy động được các nguồn lực và tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ để giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn chung, các cấp Hội cần cụ thể hóa các tiêu chuẩn đối với từng chức danh, từng đối tượng để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ sở. Riêng các chức danh chủ chốt của Hội phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, có uy tín, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm được cán bộ, hội viên, nông dân tín nhiệm.

3.3. Về số lượng và cơ cấu

3.3.1. Số lượng uy viên ban chấp hành, uỷ viên ban thường vụ

Căn cứ địa giới hành chính, số lượng đơn vị hành chính trên địa bàn, số lượng tổ chức Hội trực thuộc và hội viên; số lượng cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên trách; số lượng các ngành liên quan và cá nhân tiêu biểu; căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, tiêu chuẩn và thực trạng đội ngũ cán bộ, đại hội quyết định số lượng uỷ viên Ban Chấp hành cấp mình, Ban Chấp hành khóa mới quyết định số lượng ủy viên Ban Thường vụ không quá 1/3 so với tổng số ủy viên Ban Chấp hành, theo định hướng như sau:

- Đối với cấp cơ sở(xã, phường, thị trấn): Số lượng ủy viên Ban Chấp hành từ 11 - 17 đồng chí; Thường trực gồm Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch.        

- Đối với cấp huyện, thành phố: Số lượng ủy viên Ban Chấp hành từ 19 đến 25 đồng chí (Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Yên Mỹ không quá 35 đồng chí); Thường trực gồm Chủ tịch và 01 đến 02 Phó Chủ tịch.

- Đối với cấp tỉnh: Số lượng ủy viên ban chấp hành từ 29 đến 35 đồng chí. Thường trực gồm Chủ tịch và 03 Phó Chủ tịch.

3.3.2. Về cơ cấu:

Trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Hội Nông dân ở mỗi cấp cần có cơ cấu hợp lý để lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị của Hội theo hướng giảm ủy viên Ban Chấp hành ở các ngành, tăng số ủy viên là hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi ở các cấp.

Ban Chấp hành Hội các cấp cần có 3 độ tuổi (dưới 40 tuổi; 40 - 50 tuổi; trên 50 tuổi) để đảm bảo tính kế thừa và phát triển.

Một số cơ cấu cần xem xét trong quá trình xây dựng Ban Chấp hành:

- Cán bộ của cơ quan chuyên trách Hội Nông dân các cấp.

- Lãnh đạo Hội Nông dân các đơn vị trực thuộc.

- Đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể, ngân hàng, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và mối quan hệ trực tiếp với tổ chức Hội và hội viên, nông dân.

- Cán bộ Hội và hội viên tiêu biểu ở cơ sở (đối với cấp tỉnh, huyện).

- Phấn đấu tỷ lệ ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ là nữ cấp tỉnh 25%; cấp huyện, cơ sở: Cán bộ nữ 20%; cán bộ trẻ 25% trở lên.

- Phấn đấu trong Thường trực Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thành phố có cán bộ nữ.

- Đối với vùng đồng bào có đạo nên có ủy viên Ban Chấp hành là người có đạo phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. 

Ngoài cơ cấu trên, đối với Ban Chấp hành Hội Nông dân cấp cơ sở cần quan tâm cơ cấu một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là đảng viên hoặc bồi dưỡng, giới thiệu phát triển họ trở thành đảng viên, được hội viên cơ sở tín nhiệm suy tôn. Quan tâm phát hiện, giới thiệu hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi vào các chức danh lãnh đạo Hội các cấp.

 3.4. Về độ tuổi                      

Căn cứ vào các quy định của Đảng và Công văn số 1769-CV/BTCTW, ngày 10/11/2016 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về “Một số yêu cầu về công tác cán bộ”, độ tuổi quy định giới thiệu ứng cử và tái cử Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp như sau:

- Các đồng chí lần đầu tham gia Ban Chấp hành phải đủ thời gian công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ. Những đồng chí được giới thiệu tái cử vào ban chấp hành khóa mới nói chung phải đủ tuổi công tác trọn nhiệm kỳ, ít nhất cũng phải đủ tuổi công tác 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) tính đến thời điểm tổ chức đại hội. Trường hợp đặc biệt, đối với các đồng chí cán bộ chủ chốt của Hội phải được sự đồng ý của cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp có ý kiến bằng văn bản.

- Nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch các cấp phải được cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp phê duyệt.

4. Thành phần, số lượng đại biểu đại hội và bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên

4.1. Thành phần đại biểu chính thức của đại hội

- Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm cùng cấp.

- Đại biểu do đại hội cấp dưới bầu theo phân bổ.

- Đại biểu chỉ định (không quá 5%).

 Trong đó, phấn đấu tỷ lệ đại biểu là nữ từ 20% trở lên.

4.2. Số lượng đại biểu đại hội

Số lượng đại biểu dự đại hội do Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội quyết định trên cơ sở số lượng hội viên, đơn vị hành chính, số tổ chức Hội trực thuộc, điều kiện kinh tế, sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và Hội Nông dân cấp trên trực tiếp. Số lượng đại biểu đại hội ở mỗi cấp theo định hướng như sau:

* Cấp cơ sở:

- Hội cơ sở có dưới 2.000 hội viên, triệu tập không quá 100 đại biểu.

- Hội cơ sở có từ 2.000 hội viên trở lên, triệu tập không quá 120 đại biểu.

* Cấp huyện, thành phố: Triệu tập không quá 150 đại biểu (Khoái Châu, Ân Thi không quá 200 đại biểu)

* Cấp tỉnh: Khoảng260đại biểu.

4.3. Bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên

- Căn cứ vào số lượng hội viên, số lượng tổ chức Hội trực thuộc và vị trí đặc thù của từng địa phương, Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội phân bổ số lượng đại biểu tham dự đại hội cho phù hợp.

- Căn cứ phân bổ của Hội cấp trên, Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội xây dựng Đề án nhân sự đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên, tiến hành các thủ tục bầu cử theo quy định của Điều lệ Hội, quy chế bầu cử trong hệ thống Hội Nông dân và hướng dẫn của Hội cấp trên.

Ngoài số đại biểu chính thức được phân bổ để đại hội bầu, đại hội sẽ bầu một số đại biểu dự khuyết dự đại hội cấp trên để thay thế khi đại biểu chính thức vắng mặt trong suốt thời gian đại hội cấp trên. Số lượng cụ thể do đại hội mỗi cấp quyết định.

5. Thời gian tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp

- Đại hội cấp cơ sở: Không quá 01 ngày, hoàn thành trong tháng 5/2018; Đại hội điểm hoàn thành trong tháng 01/2018.

- Đại hội cấp huyện: Không quá 02 ngày, hoàn thành trong Quý II/2018. Đại hội điểm hoàn thành trong tháng 4/2018.

- Đại hội cấp tỉnh: Tháng 9/2018, thời gian không quá 03 ngày.

Thời gian họp nội bộ của đại hội các cấp không quá 1/2 ngày.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cấp tỉnh:

1.1. Ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 (tháng 4/2017).

1.2. Thành lập các tiểu ban của Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 (tháng 5/2017);  phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành theo dõi, chỉ đạo việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện và nhân sự đại hội cấp dưới.

1.3. Ban hành Hướng dẫn công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Hội Nông dân cấp huyện và xã, nhiệm kỳ 2018 - 2023; Hướng dẫn công tác nhân sự đại hội Hội Nông dân cấp huyện và xã nhiệm kỳ 2018 – 2023; Hướng dẫn đại hội điểm Hội Nông dân cấp huyện và xã nhiệm kỳ 2018 – 2023(tháng 5/2017).

1.4. Xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX (tháng 1/2018).

1.5. Chỉ đạo Hội Nông dân 01 huyện (thành phố) tổ chức đại hội điểm cấp huyện. Thời gian đại hội điểm trong tháng 4/2018.

1.6. Giao Ban Tổ chức - Kiểm tra Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Hội Nông dân tỉnh và Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thành phố hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc chuẩn bị và tiến hành đại hội của các cấp; tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh.

1.7. Phát động đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2018. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội.

2. Cấp huyện, thành phố, cơ sở

2.1. Các cấp Hội quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị 19-CT/TU, ngày 24/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch, hướng dẫn của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo đại hội cấp dưới và kế hoạch đại hội cấp mình, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp.

2.2. Thành lập các tiểu ban (cấp cơ sở có thể thành lập bộ phận hoặc tổ giúp việc) giúp việc chuẩn bị cho tổ chức đại hội; phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành theo dõi, chỉ đạo việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện và nhân sự đại hội cấp dưới.

2.3. Phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2018. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội.

2.4. Cấp huyện, thành phố chọn ít nhất một cơ sở Hội chỉ đạo đại hội điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Thời gian đại hội điểm cơ sở hoàn thành trong tháng 01/2018.

2.5. Các cấp Hội chuẩn bị văn kiện; đề án nhân sự; thời gian, chương trình, đại biểu, kinh phí đại hội của cấp mình báo cáo cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp, chỉ được tiến hành đại hội khi được cấp ủy cùng cấp đồng ý và Hội cấp trên duyệt. Tham mưu thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ lãnh đạo Hội các cấp không đủ tuổi tái cử Ban Chấp hành khóa mới.

Thời gian báo cáo với cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp trước khi tiến hành Đại hội 10 ngày.

Nội dung duyệt gồm: Các văn kiện đại hội (báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành); Đề án nhân sự (dự kiến Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên); thời gian, chương trình, đại biểu, kinh phí và các điều kiện đảm bảo đại hội.

2.6. Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Hội cấp trên và cấp ủy cùng cấp trong việc chỉ đạo và tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở và cấp mình.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023. Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thành phố, cơ sở căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể, xây dựng kế hoạch đại hội cấp mình đảm bảo yêu cầu, nội dung và tiến độ thời gian.

Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tổng hợp và thường xuyên báo cáo kết quả đại hội về Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh. Trong quá trình triển khai, có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh (Qua Ban Tổ chức - Kiểm tra).

 

 

Nơi nhận:                                        

- Thường trực TW Hội Nông dân VN (Để b/c);

- Thường trực Tỉnh ủy (Để b/c);

- Ban Tổ chức Trung ương Hội NDVN;

- Các ban xây dựng Đảng thuộc Tỉnh ủy;

- UBMTTQVN tỉnh;

- Các đ/c UVBTV TW Hội phụ trách tỉnh;

- Ủy viên BCH HND tỉnh;

- Các phòng, ban, đơn vị thuộc HND tỉnh; 

- BTV HND các huyện, thành phố;

- Lưu VT, TC-KT.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Trần Thị Tuyết Hương

 

Lượt xem: 1693

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân