Bạn đang ở đây

"Cánh đồng mẫu" trồng cây vụ đông ở Hưng Yên

(29.10.2015)

(Website HNDHY) - Những ngày này, trên các thửa ruộng của xã Quang Hưng (Phù Cừ), nông dân tập trung chăm sóc rau màu vụ đông. Đây là vùng có truyền thống trồng cây vụ đông lớn của huyện và đã góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập người dân. 

Năm nay, xã Quang Hưng gieo trồng 140ha rau màu vụ đông, trong đó quy hoạch “cánh đồng mẫu” với diện tích khoảng 120 ha trồng bí. Mô hình được thực hiện thuận lợi bởi trước đây nông dân đã có phong trào trồng cây vụ đông, nhà nào cũng trồng vài ba sào, nhiều hộ trồng trên 1 mẫu. 

Chị Nguyễn Thị Lanh, nông dân trong xã cho biết: “Trước đây trồng vụ đông phân tán nên chi phí đầu vào cao, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, nguồn nước tưới, tiêu gặp khó khăn nên tốn nhiều sức lao động trực tiếp. Từ khi xã dồn thửa đổi ruộng xong, vụ nào tôi cũng trồng 7 sào bí ở cùng một khu quy hoạch trồng cây vụ đông, trừ chi phí lãi 2 – 3 triệu đồng/sào”. 

Sản xuất vụ đông theo mô hình cánh đồng mẫu đã được chứng minh làm tăng thu nhập cho nông dân nhờ tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, lợi nhuận cao hơn so với gieo trồng phân tán, nhỏ lẻ; thu hoạch tới đâu HTX dịch vụ nông nghiệp xã và các thương lái thu mua tới đó. Cùng với mô hình “cánh đồng mẫu” trồng bí ở xã Quang Hưng, vụ này huyện Phù Cừ đã triển khai xây dựng được 7 “cánh đồng mẫu” trồng bí đỏ với quy mô mỗi cánh đồng từ 10ha trở lên ở các xã: Nhật Quang, Minh Tân, Phan Sào Nam… 

Thấy rõ lợi ích của trồng cây vụ đông theo mô hình “cánh đồng mẫu”, huyện Văn Lâm đã sớm xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu diện tích và chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng mô hình sản xuất tập trung theo quy mô lớn. 

Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 2 cánh đồng ngô quy mô 10ha tại xã Việt Hưng và 20ha tại xã Lương Tài; 1 cánh đồng trồng kiệu 15ha tại xã Lạc Đạo; 6 cánh đồng trồng khoai tây chất lượng cao, tổng diện tích gần 100ha tại các xã: Đình Dù, Lương Tài, Việt Hưng, Minh Hải… 

Ông Đào Quang Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Lâm cho biết: Trong xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông, huyện chỉ đạo mỗi địa phương xây dựng ít nhất từ 1- 2 "cánh đồng mẫu", mỗi cánh đồng có diện tích 10 ha trở lên. Vùng trồng cây vụ đông chủ động được nước tưới, tiêu; thuận lợi giao thông, thu hoạch và vận chuyển sản phẩm. Trồng cây vụ đông gắn với hợp đồng tiêu thụ, gắn quy hoạch vùng cây vụ đông với quy hoạch "cánh đồng mẫu" 2 vụ lúa 1 vụ đông để nâng cao giá trị trên 1 ha canh tác. Các địa phương đã tích cực thực hiện bảo đảm kế hoạch gieo trồng cây vụ đông, đồng thời mở rộng mô hình “cánh đồng mẫu”.

Vụ đông này, huyện Ân Thi tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau màu theo mô hình “cánh đồng mẫu”. Ông Đinh Văn Huê, Phó Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đặng Lễ cho biết: Năm nay xã xây dựng 6 “cánh đồng mẫu” trồng ngô nếp với diện tích gần 100 ha. Do quy hoạch sản xuất tập trung với quy mô lớn, đường ra đồng được kiên cố hóa nên năm nào vào mùa thu hoạch ngô, vụ đông thương lái ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… cũng đến tận ruộng thu mua, nông dân không phải tự mang ra chợ bán như trước đây. Vụ trước, mỗi sào ngô nông dân thu lãi hơn 2 triệu đồng. Từ cây vụ đông, nhiều hộ dân trong xã trở nên khá giả”. 

Theo tổng hợp của các địa phương, thời điểm này toàn tỉnh gieo trồng được trên 10 nghìn ha rau màu vụ đông, trong đó diện tích thực hiện theo “cánh đồng mẫu” được khoảng 1 nghìn ha, tăng hơn 200ha so với vụ trước, nhiều địa phương xây dựng được 1 - 2 cánh đồng mẫu trở lên. 

Diện tích trồng bí đỏ theo cánh đồng mẫu được phát triển chủ yếu ở các xã: Nhân La, Vĩnh Xá (Kim Động), Hồ Tùng Mậu, Tiền Phong, Cẩm Ninh (Ân Thi), Quang Hưng, Nhật Quang, Phan Sào Nam (Phù Cừ), một số mô hình có diện tích 20 – 100ha. 

 “Cánh đồng mẫu” trồng ngô nếp diện tích từ 20 ha trở lên ở các xã: Phùng Hưng, Việt Hòa (Khoái Châu); Đặng Lễ, Hồng Quang, Văn Nhuệ, Hồng Vân (Ân Thi); “cánh đồng mẫu” trồng khoai tây ở các xã: Đình Dù, Lương Tài, Việt Hưng, Minh Hải (Văn Lâm), Hòa Phong (Mỹ Hào)… 

Theo đánh giá của nông dân, các “cánh đồng mẫu” đều cho thu nhập cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ, phân tán từ 7% trở lên. 

Bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: So với sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, sản xuất vụ đông theo mô hình “cánh đồng mẫu” đem lại những lợi ích thiết thực như: Tăng thu nhập cho nông dân nhờ tăng năng suất, giảm chi phí các dịch vụ làm đất, tưới nước, thu hoạch, tiêu thụ; giảm phát thải, dễ quản lý sâu bệnh gây hại, hạ giá thành sản phẩm, lợi nhuận cao hơn; vật tư đầu vào được cung ứng tốt, kịp thời… Để nhân rộng mô hình sản xuất theo quy mô “cánh đồng mẫu” vụ đông, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cần đẩy mạnh tiến độ dồn thửa đổi ruộng, tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đồng thời tập trung nguồn nhân lực, tăng cường hỗ trợ kinh phí, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và vật tư cần thiết cho nông dân sản xuất; chủ động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, thương lái trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân…

 

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 39

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân