Bạn đang ở đây

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp

(29.11.2018)

(Website HNDHY) - Huyện Văn Lâm với đặc thù diện tích đất nông nghiệp hạn chế, địa hình không bằng phẳng, cốt đất cao, thấp đan xen. Diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.

Do vậy việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp càng trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết để tăng năng suất, chất lượng, sản lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững vừa để phục vụ nhu cầu thiết yếu về nông sản thực phẩm của huyện, các khu công nghiệp trên địa bàn và hoàn thành thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trước yêu cầu đặt ra trong thực tiễn và theo định hướng chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện uỷ và Hội Nông dân tỉnh. Hội Nông dân huyện thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn và phong trào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường tổ chức các hội nghị, các cuộc sinh hoạt chuyên đề và trực tiếp gặp gỡ trao đổi với các hội viên nông dân tuyên truyền, cổ vũ hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong đó tập trung tuyên truyền vận động nông dân thực hiện các đề án kinh tế thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Lâm lần thứ 24, nhiệm kỳ 2015 - 2020 như: Đề án số 04 “Phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hoá để nâng cao hiệu quả kinh tế” và đề án số 05 về “Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, sản phẩm chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”; đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động nông dân dồn thửa đổi ruộng, tích tụ ruộng đất, thực hiện kế hoạch số 35/KH-UBND của UBND huyện về chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản,…

Hội thường xuyên quan tâm tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao trình độ dân trí khoa học kỹ thuật, công nghệ và kiến thức quản lý kinh tế cho hội viên, nông dân: Đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 312 lớp chuyển giao KHKT trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thả thuỷ sản,... cho trên 25 ngàn lượt nông dân tham dự; tổ chức 7 chuyến đi tham quan học tập kinh nghiệm thực tế tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và các huyện bạn trong tỉnh cho trên 600 lượt  cán bộ, hội viên, nông dân. Tổ chức hội nghị, hội thảo “Cùng nông dân bàn cách làm giàu”, hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển cây ăn quả”; Hội thảo về mô hình “máy cấy không động cơ”,... cho gần 900 cán bộ, hội viên nông dân tham gia.

Bên cạnh các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, Hội cũng quan tâm đến hình thức tuyên truyền cầm tay chỉ việc thông qua việc lập các dự án hỗ trợ vốn xây dựng các mô hình nông nghiệp trình diễn như: Mô hình trồng cây có múi tại xã Tân Quang, Lạc Hồng; mô hình trồng Hoa chất lượng cao và trồng Nghệ tại xã Chỉ Đạo, mô hình  chăn nuôi gà an toàn sinh học tại xã Việt Hưng, Trưng Trắc … các mô hình được thực hiện thành công và tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn.

Tích cực vận động, hướng dẫn khuyến khích nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể: đã tham gia hướng dẫn thành lập 01 HTX nông nghiệp kiểu mới; 2 tổ hợp tác; 6 chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Cử 260 đại biểu tham dự khoá đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể cho cán bộ tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

Tích cực đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đây được coi là phong trào trọng tâm của Hội. Qua đó,   tập hợp và động viên được hàng ngàn hộ nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả có thể trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế hợp tác; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở nông thôn. Bình quân mỗi năm có trên 5.000  hộ nông dân đăng ký thi đua; kết quả bình xét cuối năm có 4.100 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Thường xuyên quan tâm thực hiện có hiệu quả hình thức tuyên truyền vận động nông dân thông qua một số hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp nông dân tháo gỡ được một phần khó khăn về vốn, về kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ; tham mưu với BTV huyện uỷ xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động quỹ HTND huyện giai đoạn 2015 - 2020”. Đến nay, nguồn vốn quỹ HTND các cấp được giải ngân trên địa bàn huyện là 5,146 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện gần 64 tỷ đồng cho 2.804 hộ nông dân vay để phát triển sản xuất; Hội cũng đã cung ứng gần 735 tấn phân bón các loại theo phương thức bán trả chậm, để phục vụ cho nông dân kịp thời chăm sóc lúa và rau màu, cây ăn quả. Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống.

Nhờ mạnh dạn đổi mới, thay đổi các biện pháp và hình thức tuyên truyền vận động nông dân: Từ triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện cùng với sự quan tâm lãnh đạo của Hội cấp trên, Hội Nông dân huyện Văn Lâm đã cụ thể hoá thành các chương trình hoạt động thiết thực, hiệu quả và đồng bộ, trang bị kiến thức mới cho hội viên nông giúp nông dân vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Kết quả đã có 211,56 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây kết hợp chăn nuôi và nuôi thuỷ sản; tỷ lệ cơ giới hoá trong các khâu canh tác lúa đạt 95%; nhiều giống lúa mới, phân bón mới được đưa vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị ha đất canh tác.Năng suất lúa bình quân của huyện đạt 60,29 tạ/ha. Chăn nuôi phát triển theo hướng bán công nghiệp gắn với áp dụng quy trình an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như: mô hình trồng cây cam đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn, hoa chất lượng cao (Tân Quang, Chỉ Đạo), lúa chất lượng cao (Đình Dù, Việt Hưng), cây kiệu (Lạc Đạo), Rau các loại (Như Quỳnh); chăn nuôi gà (Tân Quang, Việt Hưng), nuôi lợn (Đình Dù, Lạc Hồng, Lương Tài), nuôi thuỷ sản (Việt Hưng, Lương Tài) cho giá trị kinh tế cao.

Hội Nông dân huyện Văn Lâm hiện có 18.950 hội viên sinh hoạt ở 85 chi hội, 84 tổ hội. Nhờ làm tốt việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân nên công tác Hội và phong trào nông dân huyện Văn Lâm đã đạt được nhiều thành tích mới; trong nhiều năm liền, Hội Nông dân huyện được Hội Nông dân tỉnh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 10/11 cơ sở Hội và 80/85 chi hội đạt danh hiệu vững mạnh được Hội cấp trên và Đảng bộ, chính quyền các cấp khen thưởng. 

Hội Nông dân huyện Văn Lâm

Lượt xem: 17

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân