Bạn đang ở đây

Gặp gỡ những thanh niên Hưng Yên được nhận giải thưởng Lương Định Của

(23.09.2015)

(Website HNDHY) - Giải thưởng Lương Định Của, mang tên nhà nông học nổi tiếng, là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn trao tặng cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc… Báo Hưng Yên trân trọng giới thiệu 3 thanh niên Hưng Yên vinh dự được nhận giải thưởng này.

Tăng Văn Lân sinh năm 1991, ở xã Hoàng Hoa Thám (Ân Thi) là thanh niên thế hệ 9X tiêu biểu, dám nghĩ dám làm để phát triển kinh tế gia đình. Lân là một trong 4 thanh niên của tỉnh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” năm 2015.

Năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Lân mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng vốn tự có và vay ngân hàng để khởi nghiệp. Trên diện tích gần 2 mẫu đất ven sông, Lân xây dựng chuồng lợn, đào ao thả cá, đồng thời trồng nấm và nuôi gà Đông Tảo, nuôi vịt. 

Cùng thời gian này, Lân cũng bắt đầu theo học tại trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Thủy lợi, Lân cười tươi kể: “Sáng nào em cũng dậy từ 4h thu hoạch nấm để mẹ đi chợ bán, sau đó cho lợn gà ăn. Đến khoảng 6h em đi xe máy lên trường học, trưa lại về nhà. Bài vở thì đến đêm mới có thời gian để làm. Nhiều khi đến lớp thầy cô còn nói đùa trông em giống người nghiện vì người gầy, lúc nào cũng ngáp vì thiếu ngủ”. Lân xác định, học nghề điện để sau này em có thể tự lắp đặt, sửa chữa máy móc cho trang trại của mình mà không phải thuê người làm. 

Đến thăm trang trại của gia đình Lân, chúng tôi thấy được sự đa dạng về cây trồng vật nuôi. Lân xây dựng chuồng trại nuôi lợn; cải tạo 3.600m2 ao thả cá; trồng hơn 300 m2 nấm rơm, diện tích còn lại để thả gà Đông Tảo và vịt siêu thịt, vịt đẻ. 

Trong quá trình chăn nuôi, Lân tích cực học hỏi kinh nghiệm, chủ động tiêm phòng vắc xin, khử trùng chuồng nuôi nên đàn vật nuôi tránh được bệnh dịch. Đặc biệt, Lân còn tự sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi để tiết kiệm chi phí. Nguyên liệu để chế biến gồm thóc xay, cám gạo, bột ngô và bột cá, sau khi trộn thành viên thì phơi khô và sử dụng dần. Lân còn ngâm thóc thành mầm cho đàn gà, vịt và cá ăn để mau lớn và tăng chất lượng thịt và tận dụng rơm rạ ngày mùa mà bà con nông dân bỏ đi để trồng nấm. Lân cho biết, mô hình trang trại VAC của anh cho doanh thu hàng năm từ 1-1,2 tỷ đồng, lợi nhuận 250-300 triệu đồng. 

Không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế, Lân còn là Bí thư chi đoàn thôn Tam Đô, gương mẫu, tích cực trong hoạt động thanh thiếu niên tại địa phương. Chia sẻ về dự định sắp tới, Lân cho biết đang vay vốn để kiến thiết lại trang trại, thay mới các con giống có chất lượng cao và xây dựng khoảng 100m2 hệ thống chuồng kín để nuôi lợn. 

Trong khi nhiều thanh niên còn băn khoăn chưa tìm được hướng đi cho mình, nhiều người muốn thoát ly khỏi đồng ruộng thì chàng trai trẻ Tăng Văn Lân lại muốn gắn bó với nông nghiệp, nuôi khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình. Lân là một tấm gương sáng về ý chí dám nghĩ dám làm để nhiều bạn trẻ học tập.

Mới ngoài 30 tuổi nhưng anh Nguyễn Văn Đạt, ở xã Tân Tiến (Văn Giang) đã có trong tay cơ ngơi kha khá với ngôi nhà hai tầng khang trang cùng hệ thống chuồng trại khép kín để chăn nuôi lợn và 2 sào ổi. 

Anh Đạt cho biết, cơ duyên đưa anh đến với nghề chăn nuôi lợn rất tình cờ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết lớp 12, anh lên Hà Nội làm thuê cho các nhà hàng và thấy nhiều hộ chăn nuôi ở đây đi xin thức ăn thừa về nuôi lợn. Anh tìm hiểu và nhận thấy nuôi lợn nái ngoại dù yêu cầu kỹ thuật cao nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. 

Năm 2009, anh Đạt đầu tư vốn xây dựng hệ thống chuồng trại, mua 10 con lợn nái ngoại về nuôi. Năm 2010, anh tiếp tục bỏ vốn mua thêm 10 con lợn nái ngoại. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm nên đàn lợn nhà anh bị mắc bệnh dịch lở mồm long móng, thiệt hại lên đến 200 triệu đồng.

Không nản chí, anh Đạt khôi phục đàn lợn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, đồng thời tiếp tục đi học hỏi kinh nghiệm từ các nguồn khác nhau như: sách báo, mạng Internet, các mô hình thành công. Năm 2013, bên cạnh vốn tích lũy của gia đình, anh Đạt mạnh dạn vay hơn một tỷ đồng vốn ngân hàng để xây dựng chuồng trại kín, đầu tư hệ thống quạt thông gió điều chỉnh nhiệt độ chuồng khoảng 27-30 độ C để lợn phát triển nhanh hơn, hạn chế được nhiều loại dịch bệnh... 

Hiện nay, trang trại của anh đã có 50 con lợn nái, khoảng 400 con lợn cấn, mỗi năm xuất ra thị trường hàng chục tấn lợn thịt, mang lại thu nhập cho gia đình từ 300-500 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho một lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng. 

Thành công từ mô hình nuôi lợn nái ngoại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đinh anh Đạt. Mới đây, anh là một trong 4 thanh niên của tỉnh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” năm 2015

Về thôn Trung Hòa, xã Phú Thịnh (Kim Động) hỏi thăm trang trại trồng nấm của anhNguyễn Anh Tú ai cũng biết chàng trai kiên trì, chịu khó đã làm giàu thành công từ nghề trồng nấm.

Thấy nghề trồng nấm không khó lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2009, anh Tú bàn với gia đình đầu tư khoảng 700 triệu đồng để xây dựng gần 4.000m2 nhà xưởng, mua máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu để sản xuất mộc nhĩ, nấm ăn các loại. Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học công nghệ, Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân tỉnh về giống, vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nấm, anh từng bước nắm được các quy trình trồng nấm tại gia đình.-

Nguyên liệu trồng nấm ăn, mộc nhĩ là những phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp như mùn cưa, bông hạt phế thải, rơm… Hàng năm, chỉ trừ 3 tháng (từ tháng 3 – tháng 5) anh không sản xuất nấm, 9 tháng còn lại anh quay vòng sản xuất các loại nấm ăn và mộc nhĩ. Trung bình mỗi năm anh trồng trên 10 tấn nguyên liệu nấm rơm cho thu hoạch từ 3,5 – 4 tấn nấm thành phẩm; 4 vạn bịch nấm sò cho thu từ 25 – 30 tấn thành phẩm và 10 vạn bịch mộc nhĩ cho thu từ 6 – 7 tấn mộc nhĩ khô. Nghề trồng nấm mang lại cho anh Tú thu nhập từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí cho lãi khoảng 400 triệu đồng/năm. Ngoài trồng nấm, anh Tú còn sở hữu xưởng cơ khí chuyên cung cấp các loại máy móc, thiết bị cho các cơ sở trồng nấm.

Ngoài ra, trang trại nấm của anh Tú còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương. Anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trồng mộc nhĩ, nấm ăn để nhiều người có thể áp dụng mô hình phát triển kinh tế này.

Anh Tú được khen thưởng “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”; “Gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi”. Mới đây, anh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của Ban chấp hành Trung ương Đoàn năm 2015. 

 

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 9

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân