Bạn đang ở đây

Hưng Yên mở rộng kênh dẫn vốn cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn

(06.07.2015)

(Website HNDHY) - Ngày 9.6 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định này đã đưa ra một hệ thống chính sách đồng bộ không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Chính sách này được đánh giá là trợ lực để khơi thông nguồn vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều kênh vay vốn nhưng dân ít biết…

Nếu như thời gian trước đây, việc tiếp cận vốn vay của người nông dân chủ yếu qua 2 kênh là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội mà chưa có sự tham gia nhiều của các ngân hàng khác thì đến nay, hàng loạt các ngân hàng như: Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV), Ngân hàng Quân đội (Military Bank)… cũng đang dành vốn ưu tiên phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 19 chi nhánh ngân hàng thương mại và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, thì có 14 chi nhánh ngân hàng dành vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hưng Yên, đến hết tháng 6.2015, tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho vay nông nghiệp nông thôn  đạt 13.292 tỷ đồng, chiếm 39,2% tổng dư nợ, tăng 370,3 tỷ đồng (2,9%) so với đầu năm. 

Đây là tín hiệu vui cho hoạt động tín dụng dẫn vốn tới nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nổi bật trong hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hưng Yên. 

Bà Dương Bích Minh Thanh, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Hưng Yên cho biết: "Trong những năm vừa qua, Agribank chi nhánh Hưng Yên đã bám sát vào định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, định hướng kinh doanh của ngành và tranh thủ sự lãnh đạo, ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, do đó đã triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn". 

Tính đến hết tháng 6.2015, tổng dư nợ Agribank chi nhánh Hưng Yên 6.610 tỷ đồng, cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 5.327 tỷ đồng, Agribank Chi nhánh Hưng Yên dành vốn đầu tư chủ yếu phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn như: Hộ sản xuất hàng hóa, hộ làm kinh tế trang trại,… thực hiện chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng… cho hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo điều kiện cho trên 151 nghìn hộ dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, diện mạo nông thôn mới đang thay đổi từng ngày. Nhờ có nguồn vốn vay, nông dân mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp, cây con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, mở rộng qui mô sản xuất. Phần lớn nông dân vay vốn đã phát huy hiệu quả trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu thấp. 

Tuy nhiên, dòng vốn ngân hàng “chảy” về khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Anh Nguyễn Văn Tín, xã Ngọc Long ( Yên Mỹ) giãi bày: "Những người nông dân như tôi hiện nay chủ yếu vẫn chỉ tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chúng tôi biết quá ít về các gói sản phẩm nông nghiệp, nông thôn từ các ngân hàng khác. Trong khi đó, lòng tin của ngân hàng với nông dân lại thấp vì các ngân hàng sợ rủi ro. Nhiều hộ nông dân phát triển mô hình hiệu quả nhưng ngân hàng cho vay ít nên không đủ vốn để mở rộng mô hình. Ngoài ra, nếu có vay vốn thì thời gian vay cũng ngắn, mô hình chưa cho hiệu quả thì chúng tôi đã phải trả lãi". 

Đột phá khơi thông nguồn vốn

Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

 Điểm đặc biệt hơn cả, là Nghị định 55 đã nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm (không thế chấp). Theo đó, mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh; 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại. Quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như: Đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá... cao hơn các lĩnh vực khác. 

Với những dự án ứng dụng công nghệ cao hay đối tượng tham gia chuỗi liên kết, có thể được vay không có tài sản bảo đảm đến 70 - 80% giá trị phương án, dự án sản xuất, kinh doanh. 

Nghị định này cũng quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản vay nợ gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

Về những điểm mới của Nghị định này, đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hưng Yên cho rằng: Các quy định hỗ trợ phát triển mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được bổ sung, sửa đổi có thể nói là một trong các giải pháp đột phá, tạo “cú hích” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp. 

Điểm bổ sung quan trọng của Nghị định 55 so với Nghị định 41 (ban hành năm 2010) là sẽ có nhiều bà con nông dân sẽ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, các ngân hàng sẽ có điều kiện cung ứng vốn tốt hơn cho lĩnh vực "tam nông", hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế.

Những điểm mới trong Nghị định 55/2015/NĐ-CP hứa hẹn tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.  Khơi nguồn tín dụng nông nghiệp, nông thôn là khơi một kênh dẫn vốn quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

 

Theo baohungyen

Lượt xem: 10

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân