Bạn đang ở đây

Những bông hoa xứ nhãn

(17.09.2015)

(Website HNDHY) - Trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh ta những năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến. Từ trong công việc hàng ngày, mỗi người đều có những hành động đẹp, sáng kiến hay, thành tích cao đem lại giá trị về vật chất, tinh thần cho tập thể. Những tấm gương điển hình ấy như những bông hoa đẹp trong vườn hoa muôn sắc của phong trào thi đua vì sự phát triển của quê hương, đất nước.

Giữa thời bình, nhưng để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, các chiến sỹ bảo vệ an ninh trật tự vẫn phải đổ máu, mất mát không gì bù đắp được.

Tấm gương đấu tranh không khoan nhượng với nhóm côn đồ của anh Nguyễn Văn Quynh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Thắng Lợi (Văn Giang) thể hiện tinh thần dũng cảm, kiên quyết, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của anh bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình. 

Năm 2004, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Quynh tích cực tham gia các phong trào thi đua. Không lâu sau đó, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được phân công công tác tại Trung đội dân quân thường trực xã. Sau đó, anh lần lượt được bổ nhiệm làm phó chỉ huy trưởng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã. Dù ở cương vị nào anh cũng hết lòng với công việc, kịp thời đề xuất với Đảng ủy, UBND xã những chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quân sự, quốc phòng của địa phương.

Trưa ngày 7.3.2012, khi đang làm việc tại trụ sở UBND xã, anh Quynh nhận được tin báo tại Trường THCS xã có một nhóm đối tượng thanh niên sử dụng hung khí đến gây rối, tấn công giáo viên, học sinh.

Anh nhanh chóng báo cáo với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã và ngay lập tức được nhận lệnh phối hợp với lực lượng công an xã tới hiện trường.

Khi tới hiện trường, nhóm thanh niên 7-8 đối tượng tay cầm hung khí rượt đuổi học sinh, giáo viên. Trước tình thế phức tạp, nguy hiểm đó, anh cùng đồng đội đã không do dự áp sát, khống chế đối tượng để giải cứu thầy, cô giáo và học sinh. Với hành động quyết đoán của anh Quynh và đồng đội, một số đối tượng côn đồ đã bị bắt, số còn lại bỏ chạy; thầy, trò Trường THCS xã Thắng Lợi được bảo vệ an toàn.

Tuy nhiên, anh Quynh đã bị nhóm con đồ chém 2 vết thương khá nặng vào má, gáy và gẫy 2 chiếc răng hàm. Sau gần 2 tháng điều trị, sức khỏe của anh dần bình phục nhưng cơ quan chức năng giám định anh bị tổn hại trên 44% sức khỏe. Anh Quynh đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Dũng cảm; Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng...

Năm 1995, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, cô giáo  Nguyễn Thị Hồng Thúy được tiếp nhận về giảng dạy ở Trường THPT Mỹ Hào.

20 năm công tác, từ một giáo viên dạy Ngoại ngữ, Bí thư Đoàn trường đến Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Hào và năm 2015, cô được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hưng Yên, ở cương vị công tác nào, cô cũng được đồng nghiệp và các thế hệ học trò tin yêu.

Với suy nghĩ Trường THPT Chuyên Hưng Yên là cái nôi ươm mầm những tài năng của tỉnh, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy đặt ra cho mình những mục tiêu mới. Cô đã cùng với chi ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục lựa chọn và triển khai một số nhóm giải pháp, trong đó chú trọng việc thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ để tạo được sự đồng thuận cao trong giải quyết các công việc; chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học gắn liền, đồng bộ với việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, tăng cường thiết bị dạy học, cơ sở vật chất. Với sự nỗ lực kế thừa, phát huy truyền thống nhà trường, cô Thúy cùng với tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Chuyên Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó, tỷ lệ học sinh giỏi đạt 55,65%; hạnh kiểm tốt đạt 97,37%; có 33 học sinh đoạt giải trong kỳ thi quốc gia các môn văn hoá; 1 học sinh được chọn tham gia đội tuyển quốc gia dự cuộc thi Olympic Châu Á Thái Bình Dương môn Tin học; 1 học sinh đoạt giải nhì quốc gia cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay; 3 học sinh đoạt giải ba cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc; 2 học sinh đoạt giải quốc gia cuộc thi Tiếng Anh qua mạng Internet và Olympic Tiếng Anh tài năng; 52 học sinh đoạt giải cuộc thi học sinh giỏi vùng đồng bằng Bắc bộ và duyên hải; 106 học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Cũng trong năm học, trường có 2 giáo viên được công nhận là giáo viên sử dụng thiết bị thí nghiệm giỏi cấp tỉnh; 24 sáng kiến, kinh nghiệm được xếp giải cấp ngành. Năm học 2014 - 2015, Trường THPT Chuyên Hưng Yên đã được UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị dẫn đầu khối THPT…

Với những đóng góp của mình trong quá trình công tác, cô Thúy đã 3 lần được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 2 lần nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, 2 lần nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; được công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 5 năm liên tục... 

Đầu những năm 2000, xót xa khi thấy cánh đồng Bài của thị trấn Yên Mỹ chỉ gieo cấy được một vụ lúa xuân, còn vụ mùa thường hay bị ngập úng, nhiều gia đình bỏ ruộng không sản xuất, anh Đỗ Văn Chuyên, ở thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) mạnh dạn đề nghị với chính quyền địa phương cho gia đình anh đổi ruộng về khu cánh đồng Bài. Đồng thời, anh xin nhận đấu thầu ruộng công điền của thị trấn để làm trang trại với tổng diện tích 39.000m2.

Khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, anh Chuyên đã đào ao, lập vườn trồng cây ăn quả, làm chuồng chăn nuôi... 

Vừa làm vừa học hỏi, năm 2010, anh mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP và nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm. Với diện tích 18.000 m2 ao nuôi thủy sản, gia đình anh sử dụng 15.000 m2  thả các loại cá trắm; chép; trôi, mè... 3.000 m2 còn lại, anh dành để nuôi cua. Năm 2014, gia đình anh tiếp tục tham gia chương trình nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh đầu tư xây dựng 1 khu chuồng nuôi lợn khép kín với diện tích 450 m2, bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn về nhiệt độ, có nguồn nước sạch để tắm và cho lợn ăn, uống. Số lượng lợn trong chuồng luôn được tính toán để bảo đảm lúc nào cũng có lợn thương phẩm cung cấp cho thị trường. Quy trình nuôi thực hiện theo hướng an toàn thực phẩm, khi lợn gần đủ điều kiện xuất chuồng sẽ được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn chế biến thủ công từ các loại ngũ cốc và thảo dược. Khi mỗi con lợn đạt từ 100 kg - 120 kg, anh Chuyên mới xuất lợn thịt thương phẩm. Quy trình chế biến thịt lợn sạch cũng được khép kín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thịt lợn thành phẩm được đưa vào nhà lạnh bảo quản, khử độc và đóng túi, cung cấp đến tận tay người tiêu dùng theo đơn đặt hàng của khách.

Mô hình nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Chuyên đã được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn kiểm tra, mang mẫu đi kiểm nghiệm và được khẳng định không có chất cấm trong thức ăn chăn nuôi và không tồn dư chất độc hại trong thịt lợn. Bên cạnh việc thả cá, chăn nuôi lợn, anh Chuyên còn tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Bưởi Diễn, chuối tây. Dưới 500 gốc bưởi Diễn và 2000 gốc chuối tây, anh kết hợp trồng xen các loại thảo dược: Kim ngân; Thổ phục linh; Sơn tra... dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

Doanh thu của gia đình anh mỗi năm đạt khoảng 2,3 tỷ đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn tạo việc làm cho 20 - 30 lao động với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng và giúp đỡ nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. 

 

Theo baohungyen.org.vn

Lượt xem: 5

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân