Bạn đang ở đây

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tổ chức chính trị-xã hội mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường

(08.06.2016)

(Website HNDHY) - Tối 4/6 tại TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2016.

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lào Cai, UBND các tỉnh, thành phố và đặc biệt là sự có mặt của trên 500 đại biểu là đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Phát biểu khai mạc Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) là hoạt động thường niên được Việt Nam tổ chức từ năm 1982 đến nay theo sự phát động của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Hiện nay, các cấp, các ngành đã từng bước nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực tế, công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường từng bước được hoàn thiện; các vấn đề môi trường bức xúc đang từng bước được giải quyết hiệu quả.

Đã có nhiều sáng kiến, phong trào hành động cụ thể của từng tổ chức, cá nhân như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và cả những người cao tuổi,… nhằm chung tay giải quyết những vấn đề môi trường ở nhiều nơi. Tuy nhiên, công cuộc bảo vệ môi trường không thể giải nhanh chóng mà cần có sự chung tay góp sức của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội trong quá trình lâu dài.
Hiện Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; làm thay đổi, suy thoái các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Điển hình trong 3 tháng gần đây, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước tại các sông, hồ, các vùng nước ven biển đang diễn biến nghiêm trọng. Những vấn đề nêu trên đã ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và an sinh xã hội.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý tưởng mới về việc tổ chức “Tháng hành động vì môi trường”. Đây là một hoạt động có ý nghĩa, huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị-xã hội và nhân dân trên cả nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ gửi lời cảm ơn cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam thời gian qua.

Phó Thủ tướng cũng nêu yêu cầu phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong nhiệm vụ giám sát thực thi pháp luật về môi trường, tham vấn cộng đồng về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.

Để thực hiện thành công, có hiệu quả “Tháng hành động vì môi trường” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện 5 nhiệm vụ. Cụ thể:

Thứ nhất, rà soát lại công tác quản lý Nhà nước về môi trường, đánh giá những điểm đã làm được, những điểm chưa làm được, những vấn đề còn tồn tại về cơ chế, thể chế và pháp luật; trên cơ sở đó báo cáo và đề xuất với Chính phủ các giải pháp đồng bộ nhằm kiện toàn và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường, bao gồm cả thể chế, tổ chức bộ máy và nguồn lực.

Thứ hai, các Bộ, ngành và địa phương luôn đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; coi môi trường là trụ cột bình đẳng với phát triển kinh tế, tránh mọi biểu hiện và quan điểm phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ qua nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành môi trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, kể cả biện pháp xử lý hình sự đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật môi trường một cách có hệ thống gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ tư, tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong nhiệm vụ giám sát thực thi pháp luật về môi trường, tham vấn cộng đồng về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho bảo vệ môi trường phù hợp với tỷ trọng đầu tư phát triển; bên cạnh đó đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường, tăng cường hợp tác công tư trong bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện trách nhiệm xã hội trong đó có trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường.

 

Theo hoinongdanvietnam

Lượt xem: 5

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân