Bạn đang ở đây

Phát triển nông nghiệp trong thời đại thế giới phẳng

(22.02.2016)

(Website HNDHY) - Ngành nông nghiệp thường xuyên chịu nhiều tác động xấu do giá cả nông sản xuống thấp, biến đổi khí hậu theo hướng tiêu cực làm cho các vùng sản xuất bị thu hẹp, hạn hán kéo dài, lũ lụt đột biến trên quy mô lớn, gây thiệt hại cho người sản xuất.

Bên cạnh đó, sự gia tăng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước bằng nhiều biện pháp phi thuế ở các nước nhập khẩu nông sản, nhất là các nước có kinh tế phát triển bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm cao, chẳng hạn như áp dụng quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp (GlobalGAP) và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu từ các nước đang phát triển tạo ra quan hệ thương mại bất bình đẳng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, thiệt hại thuộc về các nước xuất khẩu nông sản như Việt Nam là một thí dụ.
Các cam kết thương mại của các nước thành viên WTO và các cam kết song phương về tự do thương mại khu vực (FTA) có xu hướng ngày càng mở rộng và làm gia tăng cạnh tranh trên thị trường nông, lâm, thủy sản toàn cầu.
Hiệp định “Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP” được ký kết sẽ hình thành khu vực kinh tế mới với hơn 790 triệu dân, đóng góp hơn 40% GDP toàn cầu, điều này sẽ tác động mạnh đến ngành nông nghiệp nước ta. Việt Nam có thể hưởng nhiều lợi thế khi tham gia TPP với các thế mạnh về xuất khẩu nông sản nhưng với điều kiện phải nâng cao chất lượng, mẫu mã, nhất là phải tăng hàm lượng dịch vụ và “chất xám” trong sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh với sản phẩm các nước trên thế giới.

Bối cảnh hiện nay của thực trạng sản xuất Việt Nam đó là phải giải quyết về tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, cải tiến kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, các hình thức liên kết như: tổ hợp tác, hiệp hội, hợp tác xã… để đồng bộ hóa các khâu trong chuỗi sản xuất từ đầu vào cho đến khi xuất khẩu ra thị trường. Mặt khác, trình độ cũng như kỹ năng của người nông dân Việt Nam còn thấp, cùng với quy mô sản xuất nhỏ, kỹ thuật lạc hậu dẫn tới năng suất kém và tất yếu là thu nhập thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu sinh sống gia đình. Điều này đã thúc đẩy bộ phận lao động trẻ rời bỏ nông nghiệp, để lại trong nông nghiệp bộ phận lao động nữ và người lớn tuổi không phù hợp với sản xuất hàng hóa lớn và tiếp tục làm cho năng suất lao động ngày một giảm đi cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế ngày càng giảm xuống.
Thêm vào đó, các hoạt động công nghiệp và phi nông nghiệp trong nông thôn còn quá nhỏ về quy mô, phân tán và trình độ công nghệ lạc hậu tạo ra sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường. Tình trạng này làm cho khu vực công nghiệp và phi công nghiệp nông thôn chưa tạo thêm việc làm để thu hút lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn nên vẫn dư thừa lao động trong các vùng nông thôn, cá biệt những vùng đất chật - người đông như ở đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền trung.

Ngành nông nghiệp nước ta còn phải đối mặt với những thách thức lớn khác như: việc cắt giảm thuế quan nhập khẩu hàng hóa nông sản từ nước ngoài vào Việt Nam; các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) và hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT) cũng như siết chặt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật, tăng cường minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm đầu ra… của các nước đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu.
Vậy, giải pháp nào để thúc đẩy cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, hòa nhập và có được chỗ đứng trong “sân chơi” mới, bình đẳng trên thị trường thế giới khi một loạt các hiệp định được ký kết và có hiệu lực, các hàng rào về kỹ thuật, thương mại ngày càng khắt khe cho nông sản xuất khẩu để hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững?

Thứ nhất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải được đầu tư quy hoạch, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cứng và mềm cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để bảo đảm khép kín, đồng bộ quá trình sản xuất - thu hoạch - sơ chế - tinh chế - dịch vụ - tiêu thụ sản phẩm. Điều này nhằm tạo ra nền tảng hạ tầng quan trọng, bảo đảm cho quá trình sản xuất hàng hóa ở mỗi vùng quy hoạch diễn ra theo đúng mục tiêu để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ hai, chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân từ truyền thống, nhỏ lẻ, đơn độc, tự phát sang phương thức sản xuất hàng hóa, quy mô lớn hơn, áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiêu chuẩn nông sản phải đáp ứng yêu cầu thị trường, sản xuất phải mang tính đầu tư dài hạn nhằm tạo ra môi trường và ý thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Thứ ba, đầu tư vào khoa học - công nghệ, đào tạo người sản xuất giỏi và từng bước nhân rộng để thúc đẩy đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nội bộ. Ưu tiên đầu tư cho các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp, các doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu. Đầu tư kết cấu hạ tầng các khu tiếp thị, quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ để tạo sự kết nối và giao thoa giữa các vùng sản xuất với vùng tiêu thụ đặc biệt, tạo điều kiện để người sản xuất có thể tiếp cận và nắm bắt nhanh chóng các yêu cầu về kỹ thuật cũng như chất lượng hàng hóa để có thể xuất khẩu.
Thứ tư, phát triển các hình thức đối tác công tư (PPP) trong xây dựng, quản lý và vận hành các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; cung cấp một số dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực theo hình thức Nhà nước cùng các doanh nghiệp tư nhân liên kết tổ chức triển khai. Phát huy vai trò các hiệp hội ngành hàng trong triển khai các chương trình, dự án quốc gia thuộc ngành nông nghiệp và tăng cường chức năng cung ứng dịch vụ công trong nông nghiệp như: xúc tiến thương mại, khuyến nông, dự báo thị trường, xác định tiêu chuẩn chất lượng, xử lý tranh chấp, hàng giả hàng nhái…; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các hiệp hội với Nhà nước, nông dân, các nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
Thứ năm, hoàn thiện các chính sách tác động trực tiếp, gián tiếp đến người sản xuất nông nghiệp nhằm tạo động lực thúc đẩy tham gia mạnh mẽ vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hoàn thiện nội dung chính sách khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư với các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp người sản xuất để thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất hàng hóa; hoàn thiện chính sách thúc đẩy nông dân liên kết với các doanh nghiệp chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường ở những vùng sản xuất để hình thành mạng lưới khép kín và kết nối đồng bộ các hoạt động cung ứng, dịch vụ với sản xuất nông nghiệp.
Thứ sáu, hoàn thiện và cập nhật các văn bản về chính sách thương mại nông nghiệp, quản lý thị trường trong nước phù hợp với các quy định trên thị trường thế giới nhưng phải xem xét, hiệu chỉnh phù hợp với điều kiện và môi trường sản xuất và thương mại của Việt Nam.

 

Theo nhandan

Lượt xem: 11

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân